Tên gọi các thức uống này đã giúp cho ta hiểu ngay công dụng của các loại nước mát chính là làm mát cơ thể mà trong y học cổ truyền gọi là thanh nhiệt. Nước mát có tác dụng giải khát, làm nguội cơn bốc hoả, tiêu trừ cảm giác bứt rứt trong người, miệng khô, ra mồ hôi trộm… do ảnh hưởng nắng nóng hay khi mắc các chứng bệnh do hoả nhiệt, căng thẳng.
Nước mát đưa vào cơ thể một lượng nước quan trọng và một số dược thảo giúp phòng trị một số bệnh. Loại nước này còn có tác dụng tăng lọc, đưa các chất cặn bã, dư thừa trong cơ thể ra ngoài, bổ sung một số khoáng chất, thanh nhiệt, giải độc.
Bên cạnh một số dược thảo có thể sử dụng độc lập để nấu thành nước mát như: atisô, lá vối, trà xanh… ta còn có thể dùng phối hợp nhiều dược thảo để cho ra những loại nước mát tốt hơn và ngon hơn:
Nước sâm khổ qua: khổ qua (mướp đắng) tươi một trái, đường phèn 60g. Khổ qua bỏ ruột, thêm đường trộn đều, để sau hai giờ, ép lấy nước uống. Cũng có thể chỉ dùng khổ qua nấu ra nước sâm để uống. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, chống say nắng, mát tim, sáng mắt, nhất là khi bị kiết lỵ do nóng. Khi mua khổ qua, nên chọn trái có mắt to sẽ ít đắng hơn.
Mía lau rễ tranh nấu gừng: mía lau 300g, rễ tranh 100g, đường phèn 50g, gừng 10g. Mía lau rửa sạch, cắt khúc ngắn 10cm, chẻ làm tư. Rễ tranh rửa sạch, cắt khúc bằng với mía. Gừng gọt vỏ, thái nhuyễn. Cho mía lau, rễ tranh vào nồi đun sôi với 1,2 lít nước. Để nhỏ lửa thêm 15 phút, cho đường phèn vào nấu tan. Trước khi tắt bếp cho gừng vô. Để nguội, lược qua rây, lấy nước trong. Nếu không thích gừng, có thể thay bằng hoa lài tươi, thả hoa vào trước khi tắt bếp. Thích hợp cho những ngày nóng nực, có tác dụng giải nhiệt, khử độc cơ thể rất tốt.
Nước bí đao dưa hấu: bí đao (bí xanh) 500g, dưa hấu bỏ hạt 500g, thêm chút đường trắng, ép hoặc nấu, lấy nước uống. Cách khác, bí đao 500g, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch nấu với một lít nước, uống ba lần trong ngày. Có tác dụng giải nhiệt, phòng say nắng, khô miệng, mụn nhọt, ban sởi. Ngoài ra, thường ăn bí đao còn có tác dụng giảm cân, rất tốt cho người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, huyết áp cao, bị phù do viêm thận.
Dưa leo mật ong: dưa leo (dưa chuột) hai trái, mật ong 100g. Dưa leo cắt bỏ ruột, rửa sạch, thái lát, thêm nước vào nấu sôi, múc ra, nêm mật ong vào khi còn nóng. Hỗ trợ các chứng phát sốt ở trẻ em vào mùa nóng, giải khát, tạo thể dịch, lợi tiểu.
La hán quả nấu hoa cúc: la hán quả khô một trái, hoa cúc tươi 25g. La hán quả thái miếng, hoa cúc rửa sạch. Cho la hán quả vào nồi cùng 1,5 lít nước nấu trên lửa riu riu khoảng 30 phút. Sau đó, thả hoa cúc vào, nấu thêm 10 phút. Để nước nguội, lược qua rây, lấy phần nước trong uống khi khát, giúp thanh nhiệt, mát gan, sáng mắt.
Nước đậu xanh lá sen: đậu xanh 60g, lá sen tươi 30g. Hai thứ rửa sạch, nấu với hai lít nước, đến khi đậu xanh chín. Chắt lấy nước, để nguội rồi dùng uống thay nước trà trong ngày. Có tác dụng giải độc, chống nắng nóng, an thần.
Nước sâm cải bẹ xanh: cải bẹ xanh tươi 500g nấu với một lít nước, tạo ra món nước sâm, có tác dụng thanh nhiệt, giải bứt rứt, lợi tiểu, tiêu thũng, cầm máu, nhất là kiết lỵ ra máu, rong kinh, đau mắt đỏ... do nhiệt.
Khi thực hành nấu nước mát, cần chọn dược thảo còn tươi nguyên, không sâu, phải rửa sạch, loại bỏ đất cát. Không nên sắc cạn đặc như thuốc uống. Chỉ nên nấu đủ dùng trong ngày, không để đến ngày hôm sau. Có thể uống nóng hay lạnh tuỳ sở thích.