(Xây dựng) - Đây là cuốn sách do PGS.TS Lưu Đức Hải là chủ biên, tập hợp các vấn đề chuyên biệt về đô thị hóa, đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, làm cơ sở cho việc đề xuất các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa của Việt Nam trong tương lai, trên cơ sở của đề tài nghiên cứu khoa học RD 12-21 “Nghiên cứu đánh giá vấn đề đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, đề xuất định hướng chính sách về đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong 10 năm qua (2010 - 2020), với chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, đô thị Việt Nam phát triển nhanh. Tuy nhiên, chính sách về đô thị hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Kết quả là trong khái niệm tỷ lệ đô thị hóa chỉ bao gồm các điểm định cư của con người: Đô thị, nông thôn mà thiếu vắng một loại điểm dân cư quan trọng, đó là điểm dân cư công nghiệp. Trong khi đó, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã phát huy tác dụng, nhiều khu công nghiệp được phát triển, dẫn đến phát triển đô thị không bắt kịp với sự phát triển của các khu công nghiệp, còn sự phát triển công nghiệp lại thiếu định hướng đô thị hóa tương lai.
Cuốn sách là cơ sở khoa học và thực tiễn để đánh giá quá trình đô thị hóa, các chính sách về đô thị hóa (dịch cư và dân số đô thị, đất đô thị, tổ chức không gian đô thị, mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn, công nghiệp hóa và hạ tầng kỹ thuật đô thị) chưa được đánh giá đầy đủ.
TS. Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho biết, cuốn sách có bề dày gần 600 trang, là một nghiên cứu liên ngành có giá trị thực tiễn và lý luận cao, chắc chắn sẽ là một tác phẩm hay, bổ ích không chỉ dành cho các nhà chuyên môn, nhà quản lý mà còn là nguồn tài liệu tham khảo quý giá cho tất cả bạn đọc quan tâm đến vấn đề đô thị, với các số liệu được trình bày cập nhật, trích dẫn nguồn tin cậy và có giá trị tham khảo cao.
Một số nội dung lý luận mới về mối quan hệ giữa quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn, mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa đã được nhóm tác giả đề cập như là cơ sở khoa học cho các giải pháp chính sách phát triển đô thị trong tương lai. Nhiều giải pháp, chính sách về quá trình đô thị hóa trong thời gian tới như chính sách về di cư và dân số đô thị; chính sách về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị... đã được tác giả và các đồng nghiệp đề xuất bám sát thực tiễn và có tính khả thi.
Theo KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cuốn sách “Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng chính sách trong tương lai” do Ban Kinh tế Trung ương đặt hàng. Đề tài đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc từ hội đồng. Từ đó cho thấy hàm lượng khoa học rất lớn của đề tài và cuốn sách này mang lại. Cuốn sách đã thể hiện được rất rõ cái nhìn tổng quan về đô thị hoá của Việt Nam trong quá khứ (2010 - 2020) thông qua các khía cạnh như: Quy mô, tốc độ đô thị hóa; đánh giá về dịch cư đô thị, đánh giá về đất và tổ chức không gian đô thị; đánh giá về mối quan hệ giữa đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa; đánh giá về ảnh hưởng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đến quá trình đô thị hóa.
Để từ đó dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn về đô thị hóa, nhóm tác giả đã đề xuất định hướng chính sách đô thị hoá cho giai đoạn tiếp theo thông qua các khía cạnh như: Định hướng chính sách về dịch cư và dân số đô thị; về đất đô thị và tổ chức không gian đô thị; về mỗi quan hệ giữa đô thị, nông thôn và công nghiệp hóa; về hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Còn theo TS. Lê Tự Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư IMG, cuốn sách sẽ là 1 tài liệu quý cho kiến thức đô thị và việc hoạch định chính sách đô thị hóa ở Việt Nam, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế đất nước.
Cuốn sách “Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng chính sách trong tương lai” do PGS.TS Lưu Đức Hải là chủ biên cùng với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực đô thị. Cuốn sách do Nhà xuất bản Xây dựng ấn hành dưới 2 hình thức bản in và bản điện tử (ebook).