Bạn đang tìm kiếm cơ hội việc làm hay đầu tư vào ngành sản xuất tại Việt Nam? Vậy thì hãy tham khảo 15 nhóm ngành phổ biến trong ngành sản xuất tại Việt Nam qua bài viết sau đây của Ms Uptalent để thấy rõ hơn tiềm năng và cơ hội phát triển của ngành này nhé. MỤC LỤC: 1- Ngành dệt may 2- Ngành sản xuất máy móc thiết bị, cơ khí 3- Ngành công nghiệp điện tử 4- Ngành chế biến nông lâm thủy sản 5- Ngành sản xuất dược phẩm 6- Ngành sản xuất trang thiết bị y tế 7- Ngành sản xuất mỹ phẩm 8- Ngành sản xuất nội thất 9- Ngành sản xuất giày, dép 10- Ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao 11- Ngành công nghiệp năng lượng 12- Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản 13- Ngành sản xuất hóa chất 14- Ngành công nghiệp sản xuất giấy in và văn phòng phẩm 15- Ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác
1- Ngành dệt may
Ngành dệt may Việt Nam hiện có 3 phân ngành chính là sản xuất sợi, sản xuất và nhuộm vải, sản xuất hàng may mặc.
Các sản phẩm sợi và vải được sản xuất chủ yếu cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và có chất lượng chưa cao. Trong khi đó, phân ngành sản xuất hàng may mặc lại chủ yếu là gia công cắt may (CMT), tỷ lệ nhà Nhà sản xuất may mặc từ gốc (OEM) và Nhà sản xuất từ thiết kế gốc (ODM) rất thấp, chỉ khoảng 35%.
Sản phẩm dệt may của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Phần lớn kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ đến từ những thị trường này.
Một nghịch lý đang diễn ra trong ngành dệt may là Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc trồng và sản xuất bông nhưng lại phải nhập hầu hết nguyên liệu bông từ nước ngoài.
2- Ngành sản xuất máy móc thiết bị, cơ khí
Ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị và cơ khí của Việt Nam được đánh khá cao. Các chuyên gia dự đoán, trong vài năm tới Việt Nam sẽ là một trong những cơ sở sản xuất tiềm năng tại Châu Á.
Bên cạnh đó, nhu cầu về máy móc thiết bị phục vụ cho các ngành công nghiệp sản xuất khác có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong những năm sắp tới.
Mặt khác, chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc phát triển hoạt động sản xuất máy móc thiết bị trong nước. Nhiều chính sách cởi mở nhằm thu hút đầu tư đã được ban hành và đi vào thực tế. Nhờ vậy, rất nhiều công ty đã đặt nhà máy tại Việt Nam và nhu cầu gia công sản xuất cũng liên tục gia tăng.
>>> Bạn có thể quan tâm: Sản xuất là gì? Làm việc tại ngành sản xuất cần những gì?
3- Ngành công nghiệp điện tử
Đây là ngành công nghiệp có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nó giúp con người tối đa hóa khả năng tư duy hệ thống trong việc thiết kế và tạo ra những sản phẩm mới có nhiều ưu điểm, tính năng vượt trội hơn.
Hiện tại, ngành điện tử Việt Nam do các doanh nghiệp nước ngoài chiếm hầu hết thị phần. Dù số lượng doanh nghiệp nước ngoài chỉ khoảng 1/3 tổng số doanh nghiệp điện tử nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lại chiếm hơn 90% và họ đang đáp ứng đến 80% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Rất nhiều tập đoàn, công ty điện tử nước ngoài lớn đã chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất sang các nhà máy tại Việt Nam. Ví dụ, LG, Panasonic đã chuyển toàn bộ sản xuất sang Việt Nam, Apple chuyển một phần sản xuất AirPods, Nintendo chuyển một phần máy chơi game Switch Lite,…
4- Ngành chế biến nông lâm thủy sản
Chế biến nông lâm thủy sản là phân ngành sản xuất có đóng góp giá trị đáng kể vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.
Đặc điểm của ngành này là có sự phân bố đặc thù theo điều kiện tự nhiên. Ví dụ, lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, Cafe ở Tây Nguyên, Cao su ở miền Nam, tiêu ở Tây Nguyên, rau củ ở Lâm Đồng và Đồng bằng sông Hồng,…
Sản lượng của ngành có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu. Trong tương lai, vai trò của ngành sẽ càng quan trọng hơn trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường.
5- Ngành sản xuất dược phẩm
Ngành dược phẩm tập trung sản xuất, kinh doanh các loại thuốc và hóa chất có tác dụng phòng, điều trị bệnh tật cho người.
Bên cạnh đó, các công ty dược phẩm hiện đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát triển thêm nhiều loại thuốc mới nhằm đáp ứng yêu cầu của người dùng và thị trường.
6- Ngành sản xuất trang thiết bị y tế
Sản xuất trang thiết bị y tế là ngành luôn nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ. Đặc biệt trong giai đoạn nhiều bệnh tật, dịch bệnh mới phát sinh như hiện nay thì ngành này lại càng quan trọng hơn.
Rất nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đã được ban hành trong lĩnh vực này nhằm cung cấp các điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển.
7- Ngành sản xuất mỹ phẩm
Ngành sản xuất mỹ phẩm chuyên tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của con người. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều sản phẩm đặc trưng của ngành này như các mặt hàng chăm sóc tóc, da mặt, cơ thể, nước hoa, đồ trang điểm,…
Các doanh nghiệp mỹ phẩm có thể vừa sản xuất vừa kinh doanh, phân phối hay bán lẻ sản phẩm. Theo ghi nhận, nhóm ngành này đang liên tục được đầu tư, phát triển. Nhờ vậy, hàng loạt sản phẩm làm đẹp đã ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
8- Ngành sản xuất nội thất
Công việc chính của ngành công nghiệp nội thất là thiết kế và sản xuất ra các sản phẩm nội thất phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, làm việc của các cá nhân, hộ gia đình, công ty, tổ chức,…
Điểm đặc biệt của nhóm ngành này là nó có sự kết hợp của cả 3 yếu tố mỹ thuật, nghệ thuật và khoa học kỹ thuật. Trong khi đó, việc thiết kế sản phẩm nội thất lại có liên quan đến ngành kiến trúc và cả đồ họa.
9- Ngành sản xuất giày, dép
Đây là nhóm ngành chuyên thiết kế, sản xuất và phân phối các sản phẩm giày, dép. Điểm nổi bật của ngành này nó có thể thu hút lượng lớn người lao động, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã hội, mang về nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu và góp phần quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
>>> Bạn có thể quan tâm: Thuật ngữ tiếng Anh trong ngành sản xuất
10- Ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao
Nhóm ngành này chuyên tập trung sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Có thể hiểu đơn giản nó là ngành có sự kết hợp của 2 yếu tố kinh tế và kỹ thuật.
Sản phẩm của ngành này mang nhiều tính năng hiện đại, giá trị gia tăng cao và đặc biệt không gây nguy hại cho môi trường. Vì vậy, nó đã trở thành một trong những yếu tố chủ chốt cho việc hiện đại hóa các ngành nghề hiện có và hình thành nên các ngành sản xuất, dịch vụ mới.
11- Ngành công nghiệp năng lượng
Ngành công nghiệp năng lượng bao gồm hai nhóm ngành chính là khai thác nhiên liệu (dầu mỏ, khí đốt, than,…) và sản xuất điện.
Theo các chuyên gia, đây là nhóm ngành giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia. Nó chính là động lực để phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, kinh tế và nhiều ngành nghề khác.
12- Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản
Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản chiếm tỷ trọng từ 10 - 12% GDP của Việt Nam. Nó cung cấp đủ nguyên liệu cần thiết cho các ngành kinh tế chuyên sử dụng nguyên liệu khoáng như hóa chất, luyện kim, xi măng, nhiệt điện,…
13- Ngành sản xuất hóa chất
Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam hiện có 8 nhóm sản phẩm chính, bao gồm:
- Phân bón và hợp chất nitơ.
- Chất tẩy rửa.
- Hạt nhựa nguyên sinh và cao su tổng hợp.
- Hóa chất cơ bản.
- Sơn và mực in.
- Thuốc bảo vệ thực vật.
- Sợi nhân tạo.
- Các sản phẩm hóa chất không thuộc các nhóm trên.
Trong đó, nhóm phân bón và hợp chất nitơ chiếm tỷ trọng cao nhất trong ngành, khoảng 30%. Nhóm đứng thứ hai là chất tẩy rửa. Nhóm sợi nhân tạo chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Ngành hóa chất Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Chính phủ đã có đề án quy hoạch riêng cho ngành, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng liên tục gia tăng. Do đó, tiềm năng phát triển của ngành vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, ngành hóa chất tại Việt Nam đang tồn tại nhiều điểm yếu cần khắc phục, như là:
- Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo thống kê, tỷ trọng sản phẩm nhập khẩu ngành hóa chất luôn thuộc top 10. Nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém nguồn nguyên liệu đầu vào hóa chất ở Việt Nam là vì ngành công nghiệp hóa dầu chưa phát triển. Cả nước chỉ có một nhà máy lọc dầu Dung Quất đang hoạt động.
- Năng suất ngành chưa cao, giá trị gia tăng thấp do công nghệ sản xuất và hệ thống máy móc kỹ thuật của ngành chỉ ở mức độ trung bình khá.
- Hầu hết các doanh nghiệp hóa chất trong nước đều có quy mô vừa và nhỏ. Điều này khiến họ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia có tài chính mạnh mẽ, công nghệ hiện đại và chiến lược marketing bài bản.
14- Ngành công nghiệp sản xuất giấy in và văn phòng phẩm
Đây là nhóm ngành quan trọng trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Hiện tại, nhóm ngành này đã có thể đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước và giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vẫn phải tiếp tục phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh và có chiến lược hành động cụ thể nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường
15- Ngành sản xuất ô tô và xe có động cơ khác
Nhóm ngành này bao gồm nhiều phân nhánh nhỏ như:
- Sản xuất xe có động cơ dùng để vận chuyển người và hàng hóa.
- Sản xuất các thiết bị và phụ tùng.
- Sản xuất xe moóc và bán rơ moóc.
- Sản xuất thân xe ô tô, rơ moóc, bán rơ moóc và xe có động cơ khác.
- Sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác.
- Bảo dưỡng và sửa chữa xe có động cơ.
Trên đây là một số thông tin về 15 nhóm ngành phổ biến trong ngành sản xuất tại Việt Nam mà Ms Uptalent đã tổng hợp lại. Mong rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn khi cần tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và đầu tư kinh doanh. Chúc bạn thành công!
-
HRchannels - Headhunter - Dịch vụ tuyển dụng cao cấp
Hotline: 08. 3636. 1080 Email: [email protected] / [email protected] Website: https://hrchannels.com/ Địa chỉ: Tòa MD Complex, 68 Nguyễn Cơ Thạch, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam
Nguồn ảnh: internet