Làm lễ khi nào?
Kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà cho rằng, với nhiều công trình xây dựng, như các biệt thự từ thời Pháp xây bằng móng gạch/hay những công trình xây trên nền đất tốt cũng không nhất thiết cần làm móng bằng bê tông cốt thép. Hay thực tế có nhiều công trình xây móng bằng đá. Như vậy, trước đây vốn không có ngày đổ bê tông móng, do đó việc cúng lễ là không cần thiết.
Vậy ngày liên quan đến móng phải làm lễ cúng hay phải chọn ngày đẹp là ngày nào?
Với quan điểm coi trọng việc “Đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng công trình”. Cho nên thường thì ngoài ngày động thổ, ngày đặt gạch cho phần móng là ngày rất quan trọng, và đối với công trình xây bằng móng gạch hoặc móng đá thì đương nhiên phải xem ngày đặt gạch.
Hiện nay, theo quy chuẩn xây dựng, phần đế móng là phải làm lớp bê tông lót móng, rồi mới làm cốt pha và đan sắt dải móng.
Một số nhà không đổ bê tông lót, mà dùng gạch đỏ để lót móng, có nhà dùng cốt pha be thành móng, có nhà xây gạch be xung quanh móng.
“Do đó, ngày đặt những viên gạch đầu tiên lót móng, hoặc đổ những xô vữa bê tông đầu tiên xuống nền đất là ngày phải xem, bởi nó là phần công trình được hình thành đầu tiên”, kiến trúc sư phong thủy Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông khuyến cáo.
Theo ông Trà, đối với các công trình nhỏ, từ thời điểm đào móng đến thời điểm làm lớp lót móng có thời gian không dài, có khi chỉ trong một ngày. Nên việc làm lễ cúng liền nhau, cho hai việc là không hợp lý, lúc này chỉ cần chọn giờ đẹp để đặt móng là tốt và chuẩn chỉ rồi. Có trường hợp, việc đào móng diễn ra trong vài ngày, thì ngày đặt móng vẫn phải xem ngày tốt và làm lễ cúng đơn giản thành tâm xin trời đất là hợp đạo lý rồi. Đến ngày đổ móng, xem ngày đẹp và làm lễ cúng đầy đủ để yên tâm tuyệt đối.
Đối với những công trình có phần móng phải ép cọc bê tông, đặc biệt là các công trình lớn, đến giai đoạn làm phần lót móng cũng không ít ngày, cho nên làm lễ xin đặt móng và điền hoàn long mạch cho giai đoạn ép cọc, là rất tốt.
Còn đối với ngày đổ bê tông móng, xem và chọn được ngày đẹp đương nhiên là càng tốt và thuận về cả Âm lẫn Dương cho công trình.
Những thời điểm phải chọn ngày và làm lễ
Theo chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, những thời điểm phải có lễ cúng bái là bất di bất dịch phải làm là: động thổ, ngày đặt móng, điền hoàn long mạch, cất nóc, nhập trạch. Còn đối với mái bê tông các tầng, không nhất thiết phải cúng nhưng nên chọn ngày đẹp để đổ mái.
Giải thích kỹ hơn, ông Trà cho biết, bởi thực tế, có những nhà xây 8 hay 10 tầng, thậm trí nhà mấy chục tầng, mà theo tiến độ xây dựng thì khoảng 10 đến 15 ngày lại đổ mái một lần, để chọn ngày giờ tốt cúng lễ thì tiến độ thi công sẽ bị chậm trễ. Chủ đầu tư sẽ bị ảnh hưởng, nhiều nhà thầu và rất nhiều công nhân sẽ phải dừng công việc, đó là điều không hợp lý.
Đối với một dự án lớn, người ta không chỉ xây một mà xây nhiều tòa nhà trên một khu đất lớn. Cho nên công trình nào cũng phải cúng đổ bê tông mái các tầng thì sẽ vô cùng nhiêu khê, khó đảm bảo đúng tiến độ. Tương tự, với các dự án lớn có nhiều công trình, người ta cũng không thể căn ke để tất cả các công trình đều đổ móng vào ngày tốt để cúng đổ móng.
Cho nên, việc cúng lễ đổ bê tông móng riêng cho một công trình cũng không quan trọng, mà quan trọng là người ta làm lễ cúng động thổ cho toàn dự án, rồi chọn ngày tốt để đặt móng nhưng không cần cúng lễ, để các nhà thầu và công nhân cứ làm bình thường. Tiếp đến là lễ điền hoàn long mạch, rồi chọn ngày cúng lễ đặt nóc cho công trình quan trọng trong dự án.
Có ý kiến cho rằng, việc đổ bê tông mái các tầng quan trọng và cần cúng lễ. Vậy chúng ta hãy cùng suy xét xem việc đổ gác lửng hay gác xép có phải xem ngày và cúng lễ không.
Khi diện tích gác xép rộng, nhiều người cho rằng phải cúng lễ, bởi nó cũng là trần bê tông và có cốt thép. Còn diện tích gác xép nhỏ thì nhiều người lại cho rằng không quan trọng. Tuy nhiên, nếu cho rằng, đã là trần bê tông, dù to hay nhỏ đều làm lễ cúng thì trần phụ của nhà vệ sinh (thường đổ để làm kho) không lẽ cũng phải cúng lễ. Điều này là không hợp lý.
Với những dẫn chứng ở trên, mọi người có thể thấy rằng việc cúng đổ bê tông móng hay bê tông mái bê tông các tầng không quan trọng. Chốt lại, khi xây một công trình, sẽ có 5 thời điểm người ta cần phải làm lễ cho chu toàn, là động thổ, đặt móng, điền hoàn long mạch, cất nóc và nhập trạch.
Hiện nay, có ý kiến thắc mắc là khi nào về ở nhà thì mới bốc bát hương, mới làm lễ điền hoàn long mạch. Chuyên gia phong thủy Hoàng Trà cho rằng điều này là đúng nếu với một công trình nhà ở 1 tầng. Bởi thời gian xây ngắn, và các công trình phụ sẽ đào bới sau khi xây công trình chính (ví như tường rào, bể nước, bể phốt, rãnh nước…). Nhưng đối với nhà ở thành phố và không có sân vườn, có bao nhiêu đất thì xây nhà hết bấy nhiêu.
Khi người ta xây lên tầng 2, tầng 3 thì ở dưới tầng 1 các hệ thống công trình phụ, cấp thoát nước, hạ tầng vỉa hè người ta đã không còn phải động đến hay đào bới gì nữa. Hơn nữa, công trình đó có thể xây đến vài chục tầng, thời gian xây có thể kéo dài vài ba năm, cho nên, sau khi ép cọc bê tông xong, hoàn thiện phần móng, tầng hầm, hay nền tầng 1.
Khi người ta đổ mái bê tông tầng 1 thì sẽ kết hợp luôn để làm lễ đổ mái và điền hoàn long mạch. Còn các mái tầng tiếp theo chỉ cần chọn ngày đẹp để làm. Như vậy mọi việc sẽ thuận, sẽ không có việc xấu xảy ra.
“Thực tế, khi xây nhà cần phải đào rãnh cấp thoát nước, đấu nối hệ thống điện ngầm cũng phải đào. Thậm chí, vỉa hè và đường cũng phải xẻ ra cũng vẫn phải đào cả lên và đương nhiên khi xây dựng đến một giai đoạn nhất định nào đó thì phải xây hoàn trả hạ tầng cho nhà nước, chứ không thể để 2 - 3 năm theo thời gian xây công trình mà không hoàn trả”, ông Trà ví dụ.
Nói như “Trần sao Âm vậy” thì có những công trình xây 2 - 3 năm mà không lễ tạ điền hoàn long mạch, để dây dưa từ năm này sang năm khác thì đương nhiên cũng không ổn thỏa xét theo đường tâm linh.
“Đối với nhà ở, thì khi về ở, người ta có thể thường làm lễ nhập trạch và bốc bát hương đặt ban thờ vào một ngày. Đối với ngày đó, người ta kết hợp thêm phần lễ tạ đất và điền hoàn long mạch luôn, trước đây có làm rồi thì làm thêm lần nữa càng tốt”, ông Trà cho biết.