Tụ máu não (hay máu tụ trong não, máu bầm trong não) là tình trạng bệnh lý thần kinh đáng ngại, thường xuất hiện khi vùng đầu bị chấn thương, va đập hoặc bị u não, đột quỵ xuất huyết não gây ra khối máu tụ. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, tụ máu não có thể gây ra những di chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Nhiều người không may bị chấn thương, va chạm ở vùng đầu trong quá trình sinh hoạt, vui chơi, tham gia giao thông, tập luyện thể dục thể thao,… Những va đập này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe đáng tiếc ở hệ thần kinh trung ương, cụ thể là chứng tụ máu não.
Vậy tụ máu não là gì? Triệu chứng tụ máu não hay dấu hiệu tụ máu não ra sao? Làm thế nào để phòng tránh tình trạng máu tụ trong não hay máu bầm trong não hiệu quả?
Tụ máu não là gì?
Tụ máu não là tình trạng tổn thương xuất hiện ở não khi các mạch máu lớn tại não bị vỡ gây xuất huyết, tạo ra khối máu tụ ở não. Nguyên nhân có thể do người bệnh bị tai nạn, chấn thương vùng đầu hoặc bị đột quỵ thể xuất huyết não. Hiện tượng tụ máu não có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí là gây tử vong. Do đó, khi có va chạm, chấn thương tại vùng đầu, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám, tầm soát dấu hiệu tụ máu não. (1)
Tụ máu não có thể dễ xuất hiện hơn ở một số đối tượng nhất định, đặc biệt là chứng tụ máu dưới màng cứng, ngay cả khi vùng đầu chỉ bị va chạm, chấn thương nhẹ, cụ thể gồm có:
- Người trên 60 tuổi.
- Người đang lạm dụng bia rượu.
- Người đang sử dụng thuốc làm loãng máu như warfarin, aspirin.
- Người đã bị chấn thương nhiều lần tại đầu.
Cơ thể con người sở hữu nhiều mạch máu lớn. Nếu mạch máu lớn chịu tổn thương sẽ xuất hiện tình trạng tụ máu. Hiện tượng tụ máu diễn ra phổ biến trên cơ thể, hầu hết là hệ quả của sự va đập. Thành mạch sẽ vỡ khi bị chấn thương, khiến máu tràn ra vùng mô xung quanh. Bản chất của những khối máu tụ có thể sẽ khác nhau, tùy vào vị trí tụ máu.
Bạn cần phân biệt được vết bầm tím với tình trạng tụ máu để tránh bị nhầm lẫn. Cụ thể, vết bầm có thể xuất hiện do các mạch máu nhỏ chịu tổn thương. Nếu mạch máu lớn bị thương thì sẽ gây ra hiện tượng tụ máu.
Xem thêm: Tụ máu não ở người già: Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.
Nguyên nhân tụ máu não
Dưới đây là một số nguyên nhân tụ máu não phổ biến, bạn đọc nên biết để có thể chủ động phòng tránh:
- Vùng đầu không may bị va chạm, chấn thương.
- Ngã từ trên cao, tai nạn giao thông hoặc vỡ phình động mạch não có thể gây ra những khối tụ máu nghiêm trọng.
- Tụ máu não do các mô ở vùng hệ thống mạch máu lân cận bị tổn thương vì tiến hành thẩm mỹ, can thiệp nha khoa.
- Người bệnh dùng một số loại thuốc chống đông máu như dipyridamole (persantine), warfarin, aspirin,… có nguy cơ gặp tình trạng chảy máu nhiều hơn, bao gồm cả hiện tượng tụ máu.
Ngoài ra, tụ máu não cũng có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác. Nhiều người có thể chủ quan khi bị chấn thương ở đầu, thậm chí khi phát hiện ra bệnh vẫn không nhớ bản thân đã va chạm, bị ngã ở đâu. Ngay cả những va chạm nhẹ như đầu va chạm vào tủ, cửa sổ, vòi nước, ngã đụng đầu vào tường,… cũng có thể gây tụ máu trong não, tuy nhiên người bệnh có thể không chú ý.
Triệu chứng tụ máu não
Các triệu chứng, dấu hiệu tụ máu não có thể xuất hiện trong vài tuần đầu hoặc lâu hơn tính từ lúc người bệnh bị va đập tại vùng đầu. Thậm chí có một số người hoàn toàn không gặp triệu chứng bất thường nào sau khi xảy ra chấn thương đầu. Sau đó, khối máu tụ sẽ hình thành, lớn lên gây ra tình trạng tăng áp lực nội sọ. Lúc này, người bệnh mới bắt đầu gặp các triệu chứng tụ máu não thường gặp dưới đây: (2)
- Cường độ đau đầu tăng dần đến khi có biểu hiện nghiêm trọng.
- Chóng mặt, nôn mửa, buồn nôn.
- Thường xuyên cảm thấy buồn ngủ, lú lẫn, hay quên, dần mất đi ý thức.
- Kích thước của đồng tử hai bên mắt không được bằng nhau.
- Một bên tay, chân bị yếu.
- Tăng huyết áp.
- Nói lắp.
- Việc di chuyển, đi đứng gặp trở ngại, khó khăn.
- Hành vi thay đổi, dễ khó chịu, cáu kỉnh.
- Máu hoặc một loại chất lỏng trong suốt chảy ra bất thường ở mũi hoặc tai.
- Khối máu tụ gia tăng kích thước lớn thì những triệu chứng như động kinh, bất tỉnh, hôn mê trở nên rõ ràng hơn.
Tụ máu não hay tình trạng máu bầm trong não có thể có triệu chứng không quá nổi bật ở giai đoạn đầu, vì thế nhiều người bệnh chủ quan, đi thăm khám, chữa trị trễ dẫn đến những hệ lụy không lường trước.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ thăm khám ngay nếu có những dấu hiệu cảnh báo bệnh tụ máu não dưới đây:
- Đầu óc không tỉnh táo một cách bất thường.
- Tình trạng đau đầu diễn ra ngày càng tăng và dai dẳng.
- Bị mờ mắt, suy nhược, nôn mửa, đi đứng không vững.
Nếu không có triệu chứng, dấu hiệu rõ ràng, người bệnh cần chú ý đến những thay đổi về cảm xúc, tinh thần, thể chất ngay sau khi bị chấn thương đầu nặng. Trường hợp bạn vẫn tỉnh táo và nói chuyện bình thường được sau khi đầu bị va chạm nhưng sau đó lại gặp tình trạng mất trí nhớ, bất tỉnh thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám. Lúc này, nguy cơ cao bạn có thể đã bị tụ máu não.
Phân loại tình trạng máu tụ trong não
Tụ máu não có thể được chia thành ba loại bao gồm máu tụ dưới màng cứng, máu tụ ngoài màng cứng và máu tụ nội sọ (máu tụ trong nhu mô), cụ thể như sau:
1. Máu tụ dưới màng cứng
Máu tụ dưới màng cứng xảy ra khi các mạch máu (thông thường là tĩnh mạch) nằm giữa bộ não và màng cứng (lớp màng ở ngoài cùng bao bọc não) bị vỡ. Lúc này, máu sẽ rò rỉ rồi đông lại thành khối đè lên mô não. Một khi khối máu tụ gia tăng kích thước sẽ khiến người bệnh dần mất đi ý thức, thậm chí có thể tử vong. Tình trạng máu tụ dưới màng cứng cũng được chia thành ba hình thức:
- Cấp tính: Biểu hiện của tụ máu não dưới màng cứng sẽ xuất hiện ngay khi có chấn thương. Đây là loại có mức độ nguy hiểm cao nhất.
- Bán cấp tính: Triệu chứng và dấu hiệu sẽ cần thêm thời gian để phát triển, cụ thể là vài ngày/tuần kể từ lúc bị chấn thương.
- Mạn tính: Tình trạng tụ máu này thường ít nghiêm trọng hơn, gây chảy máu chậm, có thể mất vài tuần/tháng mới xuất hiện dấu hiệu.
Cả ba hình thức tụ máu não dưới màng cứng kể trên đền cần được thăm khám, chăm sóc y tế càng sớm càng tốt ngay khi xuất hiện triệu chứng để phòng ngừa nguy cơ não bị tổn thương vĩnh viễn. (3)
2. Máu tụ ngoài màng cứng
Máu tụ ngoài màng cứng là tình trạng một khối máu hình thành tại khoảng trống giữa lớp vỏ bảo vệ não và hộp sọ. Va chạm, chấn thương tại đầu có thể khiến não đập vào hộp sọ. Điều này có nguy cơ làm rách lớp lót trong não, các mạch máu và mô gây chảy máu. Máu rỉ ra giữa hộp sọ và màng cứng có thể tạo thành một khối máu tụ đè lên phần mô não. (4)
Máu tụ ngoài màng cứng có thể tạo ra áp lực cho não, khiến bộ phận này sưng lên. Mô não chịu tổn thương, bị áp lực có thể tác động tiêu cực đến thị giác, khả năng vận động, ngôn ngữ và ý thức của người bệnh. Hầu hết người bị tụ máu não ngoài màng cứng sẽ đối mặt với các triệu chứng như buồn ngủ, hôn mê ngay sau khi gặp chấn thương, chỉ một số ít trường hợp là còn tỉnh táo.
Nếu không được phát hiện, chữa trị kịp thời, tình trạng tụ máu não kể trên có thể khiến não bị tổn thương trong thời gian dài, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Một khi bạn nghi ngờ bản thân có dấu hiệu tụ máu não ngoài màng cứng thì phải nhanh chóng đến gặp bác sĩ thăm khám ngay.
3. Máu tụ nội sọ (máu tụ trong nhu mô)
Máu tụ nội sọ xảy ra khi máu tụ lại bên trong các mô não. Hiện có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng máu tụ trong não này, bao gồm vỡ phình động mạch (vỡ mạch máu bị phình), chấn thương, các tĩnh mạch và động mạch kết nối bất thường, bị đột quỵ xuất huyết não, khối u,… Những vấn đề kể trên có thể làm rò rỉ máu vào não một cách tự phát. Nhiều khối máu tụ trong não có nguy cơ xuất hiện khi bạn bị va chạm, chấn thương ở đầu.
Tụ máu bầm trong não có nguy hiểm không?
Tình trạng tụ máu bầm trong não tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Nhiều người bị tụ máu não đã gặp biến chứng như ói, đau đầu, tê liệt, hôn mê,… vì đi khám muộn. Trường hợp cứu chữa được thì không thể phục hồi hoàn toàn, gặp di chứng không nói được, bị liệt, thần trí ngơ ngẩn,… Với ca bệnh nặng, não đã bị chèn ép quá lâu sẽ gây ra những tổn thương vô cùng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Người bệnh không được chủ quan nếu chẳng may bị va chạm, chấn thương ở đầu. Ngay cả khi va chạm đó không gây ra vết thương thì bạn cũng cần cẩn trọng, chú ý theo dõi sức khỏe kỹ lưỡng. Nếu gặp dấu hiệu tụ máu não, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra.
Xem thêm:
- Tụ máu não có nguy hiểm không? Cách xử trí khi có dấu hiệu bệnh.
- Tụ máu não sống được bao lâu? Tiên lượng ra sao?
Cách chẩn đoán bệnh tụ máu não
Kết quả xét nghiệm hình ảnh và khám sức khỏe của người bệnh sẽ là cơ sở hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tình trạng tụ máu não. Người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ một số thông tin, điển hình là tiền sử bệnh lý của bản thân, những loại thuốc đang sử dụng, triệu chứng, dấu hiệu đáng ngờ, nguyên nhân gây ra chấn thương tại đầu,… Để chẩn đoán chính xác kích thước và vị trí của khối máu tụ, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh làm các chỉ định cận lâm sàng liên quan, cụ thể là:
- Chụp CT: Kỹ thuật này có thể mang lại cho bác sĩ hình ảnh về não một cách chi tiết.
- Chụp MRI: Được thực hiện bằng cách dùng sóng vô tuyến và từ trường để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc, cơ quan bên trong cơ thể, trong đó có não bộ.
- Động mạch đồ hay chụp mạch máu bằng máy DSA: Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh bị phình động mạch não hay gặp phải những vấn đề bất thường khác tại mạch máu thì sẽ chỉ định thực hiện phương pháp chụp động mạch đồ. Thông qua kết quả nhận được, bác sĩ sẽ có cơ sở để chẩn đoán bệnh. Trong quá trình chụp động mạch đồ, bác sĩ sẽ dùng tia x và thuốc cản quang để ghi lại hình ảnh của các mạch máu não.
Cách điều trị tụ máu não
Thông thường, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh tụ máu não. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích lấy khối máu tụ trong não ra để khắc phục tình trạng chảy máu, làm giảm áp lực nội sọ, tránh gây chèn ép não. Nếu khối máu tụ nhỏ thì bác sĩ có thể xem xét lựa chọn cách khác, ví dụ như sử dụng thuốc để làm giảm áp lực nội sọ (phương pháp điều trị nội khoa). (5)
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ứng dụng robot mổ não giúp điều trị máu tụ trong não hiệu quả, người bệnh phục hồi nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng. Robot có khả năng giúp bác sĩ thấy rõ các bó sợi thần kinh và mô não lành trong mối tương quan với khối máu tụ trong suốt quá trình mổ. Từ đó bác sĩ có thể chọn được cách lấy khối máu tụ an toàn mà không phạm phải hay cắt đứt các dây thần kinh.
Trường hợp khối máu tụ trong não có kích thước lớn thì trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc để ngăn ngừa chứng động kinh. Người bệnh và thân nhân cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ, theo dõi diễn biến bệnh sát sao. Bạn cần đi khám ngay nếu đã dùng thuốc nhưng triệu chứng vẫn chưa cải thiện, đặc biệt là khi gặp dấu hiệu bất thường như co giật, nôn nhiều, đau đầu dữ dội,…
Việc chữa trị và phục hồi di chứng do máu tụ trong não gây chèn ép thần kinh có thể mất nhiều thời gian. Người bệnh cần kiên trì thực hiện đúng theo phác đồ được bác sĩ chỉ định. Thời gian phục hồi tối ưu là trong vòng 6 tháng đầu tiên, ở giai đoạn này quá trình chữa trị phải diễn ra tích cực.
Xem thêm: 2 cách điều trị tụ máu não phổ biến
Biện pháp hỗ trợ người bệnh phục hồi sau điều trị tụ máu não
Để hỗ trợ quá trình phục hồi sau chữa trị tụ máu não diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn, người bệnh cần lưu ý thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Bạn cần ngủ đủ giấc vào ban đêm, tránh thức khuya. Vào ban ngày, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn khi cảm thấy mệt mỏi.
- Sau khi chữa trị, bạn chỉ nên quay lại với công việc, hoạt động hàng ngày nếu đã cảm thấy khỏe hơn.
- Người bệnh không nên tham gia những hoạt động giải trí hay các môn thể thao cần dùng nhiều sức khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
- Khi muốn vận hành máy móc nặng nhọc, lái xe,… bạn cần thận trọng, tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị trước. Người bệnh cũng nên nhớ rằng, khả năng phản ứng của bản thân có thể sẽ chậm lại do não bị chấn thương.
- Bạn chỉ nên dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Tránh uống rượu bia cho đến khi sức khỏe của bạn hoàn toàn hồi phục. Vì rượu bia có thể khiến quá trình phục hồi sau chữa trị tụ máu não diễn ra chậm lại.
- Nếu gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, bạn hãy viết thông tin ra giấy. Trước khi đưa ra quyết định quan trọng, bạn nên tham khảo ý kiến của người mà bản thân tin tưởng.
Cách phòng tránh tụ máu não
Để phòng tránh tụ máu não, bạn nên áp dụng một số biện pháp để hạn chế nguy cơ bị chấn thương đầu, cụ thể gồm có:
- Đội mũ bảo hiểm để bảo vệ đầu: Bạn cần đội mũ bảo hiểm có kích thước vừa vặn, phù hợp khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện,… hoặc trong lúc chơi một số môn thể thao tiềm ẩn nguy cơ gây ra chấn thương ở đầu, điển hình là trượt tuyết, đạp xe, trượt băng, cưỡi ngựa, trượt ván,…
- Thắt dây an toàn: Thắt dây an toàn là việc làm cần thiết khi bạn trực tiếp điều khiển hoặc ngồi trên xe ô tô hay những phương tiện có động cơ khác.
- Ngăn ngừa chứng tụ máu não ở trẻ nhỏ: Trên xe ô tô, phụ huynh cần lắp ghế ngồi chuyên dụng dành cho trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy che chắn các cạnh bàn, cố định thiết bị, đồ vật nặng, chặn cầu thang để hạn chế nguy cơ trẻ bị tai nạn.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh chia sẻ đến bạn một số thông tin về dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán, chữa trị,… bệnh tụ máu não. Bạn nên lưu ý để bảo vệ sức khỏe thật tốt. Nếu bạn hay người thân không may gặp phải dấu hiệu tụ máu não thì hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế thăm khám.