FWB là gì? Những “tai nạn” ngoài ý muốn khi hẹn hò qua app?

Hẹn hò qua app, nhiều trường hợp gặp phải tình huống dở khóc dở cười, người trải qua tình một đêm rồi mang thai, người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản,... Dưới góc độ của luật pháp, những hành vi trên sẽ bị xử lý thế nào?

Hiện nay, các ứng dụng ứng hẹn hò qua mạng khá phổ biến trong cộng đồng giới trẻ. Các ứng dụng chat phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến như app hẹn hò online Tinder, Grinder, Bumble, Badoo, OkCupid, Waplog, YmeetMe, Twoo, Facebook dating app,…Do cách thức các ứng dụng này hoạt động khá đơn giản với các tính năng cơ bản và miễn phí khiến giới trẻ bị thu hút.

Một số thuật ngữ phổ biến khi sử dụng app hẹn hò

LTR - Từ này là viết tắt của cụm từ “Long Term Relationship” có nghĩa về một mối quan hệ lâu dài thường được sử dụng phổ biến trong các ứng dụng hẹn hò Việt Nam. Nếu bạn bắt gặp thông tin của đối tượng bạn muốn hẹn hò có dòng chữ này thì xin chúc mừng bạn, anh/cô ấy đang tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài.

ONS hay 419 - Từ này là “One Night Stand” còn 419 là “For 1 Night”, được dịch sang Tiếng Việt là “một đêm ở lại”, “một đêm vui vẻ” hay “tình một đêm”. Đối lập với ý trên, những mối quan hệ này chỉ vỏn vẹn vài đêm và sau đó có thể là “đường ai nấy đi”, về cơ bản đây sẽ là cách để các đối tượng này tìm đến sự giải tỏa sinh lý nhanh nhất và không phải đau đầu về việc tình cảm lằng nhằng.

FWB - Từ này dịch ra là Friends With Benefits, có nghĩa là một mối quan hệ không ràng buộc để thoả mãn một số nhu cầu cần thiết, các mối quan hệ này hơn tình bạn nhưng không phải là tình yêu, và không ràng buộc, sharing everything but not love.

Những người tìm đến FWB thường là đối tượng vừa mới kết thúc một mối quan hệ, hoặc là đang gặp phải midlife crisis hoặc họ không muốn rõ ràng và ràng buộc.

GWTF - “Go with the flow”, được định nghĩa là “Tới đâu hay tới đó” hay “Hữu xạ tự nhiên hương”. Những đối tượng này thường không tìm kiếm những gì cụ thể, họ sẵn sàng bỏ thời gian và tiền bạc để tìm hiểu, hẹn hò, đầu tư cảm xúc và thời gian như một cặp đôi thật sự tuy nhiên có sự KHÔNG chắc chắn trong mối quan hệ, nó có thể là LRT, ONS hoặc cả FWB. Nó tùy thuộc vào cả hai bên, và thời gian sẽ có câu trả lời cho mối quan hệ này.

Bạn sẽ dễ bắt gặp những GWTFer trong dịp cuối năm, và lễ hội vì đây là thời điểm tìm kiếm cho mình mối quan hệ chỉ để để sưởi ấm tâm hồn cô đơn.

NSA- Một mối quan hệ NSA được định nghĩa là mối quan hệ “No String Attached”, tất cả về tình dục và mọi thứ khác ngoài cảm xúc và không có cam kết. Về cơ bản, mối quan hệ này có thể sẽ làm bạn khá khổ sở vì cảm xúc là thứ khó có thể nào kiểm soát được. Hãy tỉnh táo trước những mối quan hệ mang tên NSA trên các ứng dụng hẹn hò.

FWB là gì? Những “tai nạn” ngoài ý muốn khi hẹn hò qua app?

Những tình huống oái ăm mắc phải khi kết bạn qua app hẹn hò

"Bạn trai" từ chối nhận con

Một số trường hợp sử dụng app hẹn hò để tìm kiếm FWB, sau đó sự kiện bất ngờ xảy ra khi bạn nữ có thai, nhưng “đối tác” thì né tránh và không chịu nhận trách nhiệm. Trong trường hợp này, cần làm gì?

Thứ nhất, về việc đăng ký kết hôn: Theo Điều 8 Luật Hôn nhân gia đình 2014, thì việc đăng ký kết hôn phải tuân thủ các điều kiện về độ tuổi, sự tự nguyện,... của nam và nữ. Trường hợp này, nếu bạn trai của bạn không tự nguyện đăng ký kết hôn thì không thể ép buộc.

Thứ hai, về trách nhiệm với đứa con: Mặc dù, bạn và bạn trai không có quan hệ hôn nhân, nhưng trên thực tế thì bạn trai của bạn là cha của đứa bé, nên vẫn phải có trách nhiệm nuôi dưỡng.

Để bạn trai của bạn chịu trách nhiệm cấp dưỡng thì hai bên có thể thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận hoặc không thể thỏa thuận được, thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xác định quan hệ cha con và yêu cầu bạn trai cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật hôn nhân gia đình 2014: "Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình trong trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 101 của Luật này".

Bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Những kẻ lừa đảo sẽ tham gia vào các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng và tạo các tài khoản với thông tin giả mạo. Những kẻ lừa đảo này sẽ tìm cách làm quen với những "nạn nhân tiềm năng" và dụ dỗ họ vào các kế hoạch lừa đảo.

Để thu hút nạn nhân, chúng có thể sử dụng trái phép các hình ảnh của những người dùng mạng khác (nam/nữ) có vẻ ngoài thu hút, nổi bật, thông qua phần giới thiệu tự nhận là người đang có nhu cầu hẹn hò, tìm người trò chuyện ,lối sống hiện đại và lồng ghép cách thức liên lạc, số điện thoại kết bạn Zalo, Telegram... Các đối tượng có thể chủ động đi "thả thính" người dùng khác để tìm kiếm nạn nhân.

Một thời sau khi gian nhắn tin trò chuyện trên các ứng dụng hẹn hò và khi mức độ tin tưởng đã được tăng lên, những kẻ lừa đảo sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào một liên doanh tài chính hoặc các khoản đầu tư đầy hấp dẫn.

Sau khi đã tin tưởng, người dùng làm theo hướng dẫn tải app, nạp tiền để đầu tư, mua hàng đa cấp. Nhiều người sau vài lần nhận được một số lãi nhỏ thì tất tay một số tiền lớn hơn với niềm tin kiếm lãi khủng. Nhưng đến khi nhận ra mình bị lừa thì kẻ lừa đảo đã “bốc hơi” trên mạng.

Bạn cần làm gì trong tình huống này?

Tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Hình thức tố cáo căn cứ theo Điều 22 Luật Tố cáo 2018 quy định:

Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền

Việc tiếp nhận tố cáo sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 23 Luật Tố cáo 2018:

- Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.

Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.

- Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Tố cáo 2018. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố.

Đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bị xử lý như thế nào?

Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính khi có hành vi vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:

Phạt tiền từ 02-03 triệu đồng đối với một trong những hành vi Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.

Theo đó, trong trường hợp cá nhân có hành vi hack facebook của người khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt từ 02-03 triệu đồng.

Lưu ý: Đây là mức phạt tiền dành cho cá nhân vi phạm, đối với tổ chức mức phạt tiền gấp đôi cá nhân.

Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định:

Những trường hợp người sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây thì mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù (ngoại trừ các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này):

- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

- Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01-05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Link nội dung: https://iir.edu.vn/fwb-la-gi-nhung-tai-nan-ngoai-y-muon-khi-hen-ho-qua-app-a21083.html