Vào nửa sau của thế kỉ 18, hình dáng cơ thể đã trở thành một phương thức trong giao tiếp xã hội. Không chỉ dừng lại ở việc ăn mặc chỉnh chu, người ta cũng bắt đầu quan tâm đến hình dáng cơ thể như một cách thể hiện bản thân trước mặt người đối diện. Vào thời đó, những ai có khiếm khuyết (như màu da lạ, các khuyết tật…) trên cơ thể bị xã hội dèm pha, và có thể bị đánh giá là người có địa vị thấp kém. Là một phần của cơ thể, bàn tay cũng trở thành công cụ để con người thể hiện sự tao nhã, trang trọng.
Định nghĩa về bàn tay lý tưởng đã sớm được Nicholas Andry đề cập đến trong cuốn sách về y học Orthopædia ra mắt năm 1741. Theo đó, đây là một bàn tay có ngón tay dài, đầu ngón tay không vuông, da tay mịn màng,... Theo ông, bàn tay đóng vai trò chính trong việc “đụng chạm”. Xúc giác luôn tạo ra một sự kết nối mạnh mẽ, vậy nên một bàn tay đẹp lại cần được chăm sóc kỹ càng hơn bao giờ hết.
Tại các nước châu Âu, đôi bàn tay luôn được xem như một phương thức giao tiếp thay cho lời nói. Dạo quanh các triển lãm, bạn sẽ thấy những bức tranh với chi tiết bàn tay ám chỉ cho những thông điệp khác nhau. Chẳng hạn như bức tranh sơn dầu nổi tiếng “Le Discret” của Joseph Ducreux với tâm điểm là ngón tay ra hiệu giữ bí mật, hay bức “Praying Hands” lột tả đôi bàn tay đang cầu nguyện của Albrecht Dürer. Có thể thấy, đôi bàn tay luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hoá và nghệ thuật.
Tại Việt Nam, bàn tay cũng là một bộ phận thường xuyên được “xem tướng”, nói lên nhiều về vận mệnh của con người. Từ độ cong của lòng bàn tay, độ dài của ngón tay đến màu sắc của móng tay,... đều được tin là có những ý nghĩa khác nhau, ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của mỗi người.
Link nội dung: https://iir.edu.vn/ban-tay-sang-chanh-cach-the-hien-ban-than-moi-cua-gioi-tre-a20777.html