Xanh lam vốn được coi là màu sắc đại diện cho sự thông thái, tính độc lập cũng như khí chất cao quý và sang trọng. Cũng vì vậy, xanh lam được xem là sắc màu biểu tượng gắn liền với giới thượng lưu và hoàng gia. Tông màu này xuất hiện trong từ những bức hoạ thời kì Trung đại đến trang phục đời thường và sự kiện của các gia đình hoàng tộc. Cho đến nay, Hoàng gia Anh và những bộ phim tái hiện lịch sử giới quý tộc vẫn sử dụng xanh lam làm ngôn ngữ màu sắc chủ đạo cho trang phục của mình. Thế nhưng, có bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao tông màu này lại đặc biệt được ưa chuộng bởi tầng lớp thượng lưu và hoàng tộc?
Chân dung gia đình Vua James II. (Ảnh: Pierre Mignard)
Màu xanh và giới quý tộc có nhiều mối liên hệ mật thiết để sắc màu này bước lên ngôi vương của quyền thế. Đầu tiên, phải kể đến “blue blood” (máu xanh) là một thuật ngữ được sử dụng từ năm 1809 để ám chỉ dòng dõi hoàng gia cao quý. Màu xanh gợi liên tưởng đến những đường tĩnh mạch dưới làn da trắng trẻo tái nhợt của những hoàng thân quốc thích sống sung túc trong chốn cung điện tráng lệ chưa một lần phải phơi mình dưới ánh mặt trời gay gắt. Bên cạnh đó, còn có một “triệu chứng nhà giàu” trong y học mang tên argyria xuất hiện khi làn da bị ngả xanh sau quá trình tiếp xúc lâu dài với bạc - thứ kim loại vốn chỉ được sử dụng bởi những người có tiền. Cũng chính vì vậy, những vương thất tự cho rằng mình được sinh ra với dòng máu xanh hơn những gia tộc thường dân và xem đó như một yếu tố phân biệt địa vị vào thế kỉ 19.
Chân dung Công chúa Sophie, Electress of Hanover (1630-1714). (Ảnh: Gerrit van Honthorst)
Ngoài ra, theo lịch sử Châu Âu, trang phục màu xanh lam cũng được coi là biểu tượng gắn liền với giới thượng lưu bởi chúng có cái giá không hề rẻ để thường dân có thể sở hữu. Thuốc nhuộm xanh vốn được các thợ thủ công truyền thống chiết xuất từ cây tùng lam nhưng quá trình này tiêu tốn nhiều thời gian và công sức dẫn đến chi phí đắt đỏ để có được những bộ trang phục màu xanh lam. Và tất nhiên, chỉ giới nhà giàu mới đủ khả năng chi trả và cũng vui lòng tiêu tốn bấy nhiêu của cải để phô trương đẳng cấp của mình. Thậm chí, những người nắm giữ quyền lực ở Pháp còn e sợ thuốc nhuộm xanh từ cây chàm với mức giá bình dân hơn của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ nên đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu loại nguyên liệu này.
Giới quý tộc sử dụng đa dạng các sắc độ đậm nhạt của màu xanh nhưng có một sắc độ được gọi riêng bằng cái tên “màu xanh hoàng gia”. Nó được tạo ra bởi những người thợ xay xát ở Rode, Somerset trong cuộc thi may váy cho Nữ hoàng Anh, Charlotte của Mecklenburg-Strelitz. Màu xanh hoàng gia giống màu mực viết truyền thống, nó sáng hơn xanh navy nhưng không chói mắt bằng màu sapphire, đôi lúc lại hơi ngả tím.
Chân dung Nữ hoàng Charlotte xứ Mecklenburg-Strelitz trong lễ phục màu xanh hoàng gia. (Ảnh: Royal Collection)
Một minh chứng khác cho địa vị của màu xanh chính là những dải ruy băng vinh dự “blue ribbon”. Đối với hoàng gia Pháp, mỗi hoàng tử được sinh ra đều được trao một dải băng Order of the Saint-Louis màu xanh lam như ngầm khẳng định thân phận cao quý và họ chỉ được phép đeo chúng trong những sự kiện đặc biệt hoặc tranh chân dung.
Chân dung Hoàng tử Pháp - Louis Ferdinand de France, con trai vua Louis XV, năm 1750. (Ảnh: Birmingham Museum and Art Gallery)
Đời sao thì phim vậy, sắc xanh lam trên phim ảnh cũng trở thành chiếc tem bảo chứng cho thân phận quyền quý hay xuất thân hoàng gia của các nhân vật. Dẫu sắc độ sử dụng có khác nhau để phù hợp hơn với màu phim cũng như bối cảnh quay, xong gam màu xanh lam vẫn chỉ luôn xuất hiện trên các bộ trang phục sang trọng và đẳng cấp của giới quý tộc và hoàng thất.
Quay ngược thời gian về thế kỉ 16, bộ phim Marie Antoinette đã khắc hoạ chân thực vị nữ hoàng cùng tên, người được mệnh danh là “Nữ hoàng của những dạ vũ xa hoa bậc nhất”. Bà sẵn sàng vung tiền cho những thiết kế thời trang từ mũ nón, váy áo hay giày dép mới nhất, xa xỉ nhất với đủ các màu sắc. Song, sắc xanh lam vương giả mới là tông màu mà Marie Antoinette yêu thích nhất. Nữ đạo diễn Sofia Coppola đã đặc biệt yêu cầu tổ phục trang chuẩn bị cho nữ chính Kristen Dunst những bộ cánh gồm váy lụa và mũ tricorn xanh lam với nhiều sắc độ khác nhau trong suốt bộ phim. Từ những ngày còn là nàng công chúa được cha mẹ cưng chiều ở Áo đến khi đã trị vì đất Pháp, Marie Antoinette xuất hiện với hàng loạt các mẫu váy và phụ kiện xanh lam.
(Ảnh: Marie Antoinette)
(Ảnh: Marie Antoinette)
(Ảnh: Marie Antoinette)
Với giải thưởng Oscar cho Thiết kế phục trang xuất sắc nhất, NTK Alexandra Byrne đã phản ánh đúng tinh thần và những đặc trưng của phong cách thời Elizabeth I với những chi tiết đính cườm bản to và cổ xếp nếp cầu kỳ. Thế nhưng, điểm chung của những bộ cánh trong phim chính là đều mang sắc xanh lam quyền quý - màu sắc chiếm đóng trên quốc kỳ Anh. Gần một nửa tủ đồ trong phim được bao phủ bởi màu xanh để thể hiện khía cạnh cô độc và tự chủ của Nữ hoàng “đồng trinh”.
(Ảnh: Studio Canal)
(Ảnh: Elizabeth - The Golden Age)
(Ảnh: Elizabeth - The Golden Age)
(Ảnh: Elizabeth - The Golden Age)
Với vị thế của một gia tộc danh giá lâu đời, màu sắc đặc trưng của nhà Bridgerton là xanh lam thanh lịch và sang trọng. Màu sắc này trái ngược hẳn với màu vàng chói mắt của gia đình “giàu xổi” Featherington. Từ các vị nam tước đến các nàng tiểu thư thuộc gia tộc Bridgerton đều ưa chuộng các thiết kế sắc xanh dịu mắt và tao nhã. Các bộ cánh của hội tiểu thư cũng được kết hợp hoàn hảo với phụ kiện tóc, găng tay và khăn choàng đồng màu để tạo nên khí chất thượng lưu đích thực. Đây cũng là màu sắc thường xuất hiện trên các món đồ sứ Wedgewood của Anh thời bấy giờ.
(Ảnh: Netflix)
(Ảnh: Bridgerton)
(Ảnh: Bridgerton)
(Ảnh: Bridgerton)
Ngoài ý nghĩa khẳng định địa vị có từ lâu đời, màu xanh làm còn thể hiện sự điềm tĩnh, cân bằng và trí tuệ thông thái - những tính từ phù hợp nhất để miêu tả các thành viên của hoàng thất. Do đó, sắc màu này nghiễm nhiên cũng được ưu ái sử dụng bởi các thành viên Hoàng gia của xứ sở sương mù. Không ít lần công chúng bắt gặp Nữ hoàng Anh trong những bản phối monochrome sắc xanh lam tinh tế và thời thượng. Theo thống kê, đây là màu sắc góp mặt nhiều nhất trong tổng số lần bà từng xuất hiện trước công chúng, chiếm giữ một phần ba số trang phục trong tủ đồ của Nữ hoàng.
Nữ hoàng mặc áo khoác dài cùng mũ cùng màu và trâm cài Ngôi sao Jardine để tham dự lễ phục vụ Ngày thịnh vượng chung tại Tu viện Westminster. (Ảnh: Samir Hussein)
Nữ hoàng mặc một chiếc váy màu kem có ren xanh phối cùng túi xách Launer để tham dự một buổi tiệc chiêu đãi ở London. (Ảnh: WPA Pool)
Học theo Nữ hoàng Anh, Công nương xứ Cambridge Kate Middleton cũng ưa chuộng sử dụng màu sắc này trong những bộ cánh của mình. Tại những sự kiện cột mốc quan trọng, người ta đều thấy Kate xuất hiện cùng những bản phối sắc xanh lam thanh tao và tinh tế. Mang theo sự khiêm nhường và tinh thần hiện đại, Công nương Kate đã “thổi một làn gió mới” trẻ trung và gần gũi hơn vào các trang phục có tông màu hoàng thất này.
Tại lễ đính hôn của mình, Công nương chọn thiết kế váy màu xanh cobalt đến từ thương hiệu Issa. (Ảnh: Mark Cuthbert/UK Press)
Gia đình Hoàng tử William trong chuyến công du đến Canada. (Ảnh: Samir Hussein)
Sau khi hạ sinh Hoàng tử George vào năm 2013, Công nương lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong chiếc váy chấm bi xanh của Jenny Packham. (Ảnh: Leon Neal)
Nguồn: Theo Tạp chí Phái đẹp ELLE
Link nội dung: https://iir.edu.vn/vi-sao-xanh-lam-lai-duoc-menh-danh-la-mau-sac-bieu-tuong-cua-gioi-quy-toc-va-hoang-gia-a20225.html