Deep Talk – Chính An

Deep Talk - Chính An

Gần đây khi hoạch định lại mục tiêu cuộc đời trong 5 năm tới, có một vấn đề bản thân mình tự nhìn nhận là không có nhiều mối quan hệ chất lượng trong cuộc sống. Đồng nghiệp trong công ty thì chỉ gắn bó trong công việc chứ không can thiệp vào đời tư, còn bạn bè xung quanh cũng không có nhiều người đủ thân thiết để chia sẻ chuyện cá nhân ngoài một đứa bạn cấp ba.

Bởi vậy, một trong những mục tiêu mình đặt ra là tạo ra nhiều sự kết nối sâu sắc hơn với những người xung quanh bằng cách CHO đi nhiều hơn ở những người cần mình giúp đỡ, đây là mục đích bề nổi thôi nhen, chứ còn bề ngầm là mình muốn nhiều người… mắc nợ mình hơn, mang ơn mình để khi cần nhờ họ thì có qua có lại mới toại lòng nhau. Nghe thì có vẻ tính toán, nhưng quy luật công bằng ở cuộc đời vốn vậy, bạn muốn NHẬN mà không muốn CHO thì ai chơi lại?

Và từ đó, mình bắt đầu nhận lời mời đi cafe, đi tâm sự mỏng cho một vài người để lắng nghe vấn đề của họ và đưa ra cho họ một vài góc nhìn từ kinh nghiệm của mình. Có điều, sau vài ba cuộc gặp như vậy thì mình nản siêu nản.

Một ca là một đứa bạn đại học, kiểu ngưỡng mộ mình đã lâu nên rủ đi ăn chia sẻ chuyện công việc. Nhưng thật sự là mindset và level quá khác biệt để có thể nói chuyện được, bởi những vấn đề bạn gặp phải đều là những chuyện hết sức basic như làm agency mà không rành tiếng Anh nên không bắt kịp đồng nghiệp (ủa, rồi sao không đi học tiếng Anh đi?), xong vô gặp sếp khó ở bắt bẻ này nọ tạo áp lực cho bạn. Nói chung mình cũng đưa ra một số gợi ý (chứ mình không gọi là lời khuyên) để bạn có hướng đi và giải quyết chuyện của bản thân. Sau đó nghe bảo cũng nhờ mình mà bạn nhảy việc, tìm được vị sếp khác tốt hơn chứ không còn ở với bà sếp khó ở cũ nữa.

Một khác là một chị từng đi du học bên Anh, làm dược ở công ty global, cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp với đồng nghiệp và không thích nghi được với văn hóa công ty mà mọi người toàn đấu tố nhau rất tiêu cực. Những việc đó làm ảnh hưởng tới năng lượng của chị, khiến chị mất tập trung trong công việc và chị tìm mình để nhờ mình chia sẻ bí quyết làm thế nào để tập trung hơn. Ban đầu mình cứ tưởng vấn đề của chị đến từ sự quá tải trong công việc và cách sắp xếp công việc, nhưng cuối cùng lại do con người ở môi trường làm việc làm khó nhau.

Nhưng điểm lạ lùng là cái tôi của con người ta quá cao, ít người tự nhận mình có vấn đề, mà hay đổ vấn đề cho người khác, cho môi trường bên ngoài. Đối diện vấn đề với đồng nghiệp, môi trường làm việc như vậy, hoặc là mình phải là người dám dấn thân đưa ra ý kiến với sếp trên và tạo ra thay đổi cho môi trường đó, hoặc mình phải chấp nhận sống chung, không chấp nhận được thì đi chỗ khác tìm cái ao nào hợp với mình. Chứ đã vừa muốn ở lại mà lại vừa muốn không bị đồng nghiệp ảnh hưởng thì là tự mình làm khó mình, nó là một thế lưỡng nan do mình tự tạo ra chứ chẳng ai ép uổng mình cả.

Kết luận lại sau mấy cuộc cafe nói chuyện như vậy, mình thấy thì cũng giúp ích được cho đối phương chút gì đó, nhưng cái mình tiếp xúc là những người bi quan, tiêu cực, bế tắc, cuộc nói chuyện thường tập trung về vấn đề của họ nhiều hơn.

Cũng có những cuộc nói chuyện với những người bạn quen nhưng bắt đầu đi vào hồi cuối của mối quan hệ, khi tới lịch định kỳ thì rủ nhau họp mặt ăn uống vì lâu ngày không gặp, nhưng gặp rồi toàn nói chuyện tào lao không đem lại giá trị gì ngoài mất thời gian của mình.

Mình vẫn hay nghĩ về một cuộc nói chuyện lý tưởng, mà mình gọi là Deep Talk (nói chuyện sâu). Nói chuyện bao lâu không bằng nói bao sâu, cũng như có những người quen lâu nhưng chưa chắc quen đủ sâu để hiểu về đối phương.

Deep Talk phải là hai người hiểu rõ tính cách của đối phương, hoặc chưa hiểu thì phải trò chuyện làm sao cho hiểu trước, đó là nền tảng căn bản. Từ đó mới đi đến bình luận về những chủ đề chung mà cả hai có cùng mối quan tâm, như văn học, nghệ thuật, đạo đức hay chính trị xã hội, mà mỗi người đều có quan điểm, góc nhìn riêng có thể bổ sung cho nhau, làm đầy phần khuyết của nhau.

Deep Talk như một cuộc biện luận trong ôn hòa, hai người có khi hòa hợp, cũng có khi tranh cãi nhưng trên cơ sở trao đổi để làm rõ ràng vấn đề, cho người thấy được những góc nhìn mà họ chưa thấy, và công nhận những điểm tốt, điểm đúng của đối phương.

Kết thúc một cuộc Deep Talk, cả hai phải thấy hả lòng hả dạ khi được nói hết mình, được bày tỏ hết tâm tình, được diễn đạt hết câu chữ, và mỗi người cũng đều thâu nhận từ đối phương một điều gì đó. Ấy mới gọi là bằng hữu như các bậc chí sĩ thời xưa đàm đạo với nhau.

Còn một cuộc nói chuyện nông cạn mà hời hợt, nói mà không hiểu gì về tâm ý đối phương, vô tâm vô ý, hay chỉ tập trung vào câu chuyện của mình hơn là lắng nghe câu chuyện của người kia, khi cán cân bị nghiêng về một bên thì mối quan hệ không có được sự lâu dài.

Như mình có hai nhỏ bạn đại học, hay rủ đi ăn cùng, và thuộc nhóm nói chuyện hời hợt mình kể ở trên. Dù quen nhau tới nay cũng được hơn chục năm, nhưng tới việc đi ăn mình không thích ăn thịt luộc hay các món liên quan tới hấp luộc cũng không nhớ mà vẫn rủ đi ăn bún đậu mắm tôm. Rõ chán.

Link nội dung: https://iir.edu.vn/deep-talk-chinh-an-a20105.html