Áo dài nữ sinh Thủ đô: Vẻ đẹp văn hóa độc đáo của Hà Nội

Sống lại ký ức Thủ đô trong đêm khai mạc Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 700 phụ nữ lung linh trong áo dài trải nghiệm du lịch Hà Nội bằng xe buýt 2 tầng Nam thanh nữ tú mặc áo dài đạp xe, ngắm di sản Hà Nội

Vẻ đẹp thanh lịch mang đậm truyền thống

Tiết Thu xanh trong và sân trường yên tĩnh càng làm cho lễ chào cờ đầu tuần thêm phần trang nghiêm, xúc động với sắc trắng tinh khôi của những tà áo dài.

Không chỉ là đồng phục cho nữ sinh THPT, áo dài truyền thống - biểu tượng duyên dáng của phụ nữ Việt Nam - còn được một số trường THCS ở Hà Nội đưa vào sử dụng cho nữ sinh lớp 9.

Chiếc áo dài trắng không chỉ làm nổi bật sự dịu dàng, thuần khiết mà còn thể hiện nét đẹp của văn hóa học đường đầy thanh lịch và văn minh của nữ sinh Thủ đô.

Thiếu nữ Hà Nội xưa vốn nổi tiếng với sự thanh lịch và nhã nhặn. Không chỉ thể hiện qua lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, lịch thiệp hay bước đi uyển chuyển, nét đẹp ấy còn bộc lộ rõ qua trang phục tinh tế và ý nhị, mà áo dài là một trong số đó.

Qua thời gian, dù chịu ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây và sự phát triển của xã hội, lối sống người Hà Nội thay đổi, nhưng nét kín đáo, e ấp trong tà áo dài truyền thống vẫn được duy trì.

Áo dài nữ sinh Thủ đô: Vẻ đẹp văn hóa độc đáo của Hà Nội Thiếu nữ Hà Thành tươi xinh trong tà áo dài tại Ngày hội Văn hoá vì hoà bình năm 2024

Đầu thế kỷ 20, thiếu nữ Hà Thành chuộng những chiếc áo dài dáng suông, giấu dáng cùng mái tóc đen dài gọn gàng trong chiếc khăn xếp. Đến năm 1950, văn hóa và trào lưu phương Tây tác động mạnh mẽ, áo dài được thiết kế cách điệu hơn với phần eo chiết nhỏ, tôn lên vòng eo thon thả và phần tay áo bồng bềnh, tăng thêm nét mềm mại cho người con gái.

Hình ảnh dịu dàng của người thiếu nữ Tràng An trong tà áo dài đi sâu vào lòng người yêu Hà Nội, gợi lên nỗi nhớ về nét đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong sắc Thu tháng 10 lịch sử, khi đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô, hình ảnh thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài lại càng làm cho nỗi nhớ ấy thêm sâu sắc. Nét duyên thầm của người con gái Hà Thành đã làm xao xuyến bao tâm hồn.

Nét đẹp văn hóa học đường hiện đại

Trong cuộc sống hiện đại, áo dài tân thời vẫn giữ được vẻ đẹp riêng, tôn lên vóc dáng người thiếu nữ với phần thân trên ôm sát, hai vạt áo mềm mại buông trên ống quần rộng. Hai tà xẻ trên vòng eo không chỉ tạo dáng thướt tha, duyên dáng mà còn giúp người mặc cảm thấy thoải mái, kín đáo.

Từ những ngày lễ tết, giờ đây áo dài trắng - biểu tượng của sự trong sáng tuổi học trò - đã trở thành đồng phục của nhiều nữ sinh THPT, mặc trong các dịp khai giảng, bế giảng và đầu tuần.

Áo dài nữ sinh Thủ đô: Vẻ đẹp văn hóa độc đáo của Hà Nội Tà áo dài trắng đã trở thành biểu tượng đẹp của nữ sinh Hà Thành ngày nay

Từ năm học 2016 - 2017, áo dài trắng chính thức trở thành đồng phục cho nữ sinh lớp 9 ở một số trường THCS thuộc quận Thanh Xuân. Mục đích của quận là tạo ấn tượng tốt, giáo dục truyền thống, gìn giữ nét duyên dáng dịu dàng cho nữ sinh Thủ đô.

Mặc áo dài truyền thống đến trường không chỉ có ý nghĩa nhân văn mà còn phù hợp với việc giảng dạy về nếp sống thanh lịch, văn minh của học sinh Hà Nội. Chiếc áo dài dường như làm các em gái trở nên dịu dàng, e ấp hơn.

Khi khoác trên mình chiếc áo dài trắng, nữ sinh THCS trở nên xinh đẹp hơn trong mắt mọi người, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa. Áo dài trắng không chỉ tạo nên nét đẹp văn hóa học đường mà cùng với bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội,” trang phục này còn giúp học sinh giữ gìn và phát huy truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bạn Nguyễn Thị Lam Phương, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, chia sẻ: "Khi thấy các bạn trẻ Thủ đô rạng rỡ trong trang phục áo dài tại Ngày hội Văn hóa vì hòa bình, đặc biệt là áo dài trắng tinh khôi, tôi vừa tự hào vừa xúc động. Cảm giác như quay về với ký ức thời học trò, thật tuyệt vời. Áo dài là trang phục yêu thích của tôi, và tôi thấy vui khi góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa trang nhã và thanh lịch từ thế hệ trước".

Link nội dung: https://iir.edu.vn/ao-dai-nu-sinh-thu-do-ve-dep-van-hoa-doc-dao-cua-ha-noi-a19260.html