Cùng với sự phát triển của truyền thông, quyền hình ảnh của cá nhân ngày càng được đề cao và coi trọng. Bài viết này điểm lại những quy định của pháp luật liên quan đến hình ảnh cá nhân và việc sử dụng hình ảnh cá nhân.
Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của cá nhân. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý. Quyền này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Do đó, nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015, mặc dù pháp luật ghi nhận và bảo về quyền hình ảnh của cá nhân nhưng có 02 trường hợp được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật, gồm:
- Sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng.
- Sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng: Hội nghị, hội thảo, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật… mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Khi sử dụng hình ảnh người khác trái phép, xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân, người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền dưới đây tuỳ vào hành vi vi phạm:
- Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng: Quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cá nhân mà chưa được người đó cho phép trừ trường hợp được pháp luật cho phép (căn cứ điểm b khoản 3 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng: Sử dụng hình ảnh trẻ em dưới 07 tuổi để minh hoạ trên xuất bản phẩm mà cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ không đồng ý hoặc với trẻ từ đủ 07 tuổi trở lên mà không được chính trẻ, cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ đồng ý (điểm c khoản 2 Điều 25 Nghị định 119/2020/NĐ-CP).
Hình ảnh cá nhân là nội dung quyền nhân thân gắn với cá nhân, nó cũng được coi là một trong những thông tin cá nhân của một người. Nếu người nào sử dụng hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sử dụng sai mục đích thì sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Không chỉ vậy, 10 - 20 triệu đồng cũng là mức phạt vi phạm hành chính nếu người nào sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác, “chế ảnh”, chia sẻ hình ảnh không đúng sự thật nhằm vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của người khác theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trong trường hợp này, ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác tại Điều 155 Bộ luật Hình sự nếu sử dụng hình ảnh người khác nhằm làm nhục người khác với mức phạt tù là 05 năm.
Khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ, khi bị lấy thông tin (trong đó có hình ảnh) làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Do đó, khi quyền hình ảnh bị xâm hại, nếu có thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín… thì hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong đó, mức bồi thường sẽ gồm: Chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thiệt hại về tinh thần; thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất…
Mức bồi thường này các bên hoàn toàn có thể thoả thuận được với nhau. Nếu không thoả thuận được thì căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính. Riêng thiệt hại về tinh thần thì tối đa sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Căn cứ Nghị quyết 69 về mức lương cơ sở, từ 01/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng đang áp dụng hiện nay. Do đó:
- Từ nay đến hết 30/6/2023: Mức tối đa bồi thường tinh thần là 14,9 triệu đồng.
- Từ 01/7/2023 trở đi: Mức tối đa bồi thường tinh thần là 18,0 triệu đồng.
Khi bị đăng ảnh không xin phép, nạn nhân có thể làm đơn tố cáo với cơ quan công an cấp xã nơi người này cư trú (thường trú hoặc tạm trú). Trong đó, đơn tố cáo cần nêu rõ các nội dung:
- Họ tên người tố cáo.
- Nội dung tố cáo về việc bị xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân như thế nào.
- Ngày, tháng, năm tố cáo.
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm… từ việc bị sử dụng hình ảnh không xin phép…
Ngoài việc tố cáo, người bị xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân có thể khởi kiện ra Toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi này gây ra. Trong đó, người khởi kiện phải làm đơn khởi kiện nêu rõ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng thế nào khi quyền hình ảnh của mình bị xâm phạm.
Khi làm đơn cùng với tài liệu, chứng cứ cho hành vi này, nạn nhân có thể gửi đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi người tự ý đăng ảnh, sử dụng hình ảnh của mình không xin phép cư trú, làm việc.
Trên đây là quy định về vấn đề quyền hình ảnh của cá nhân. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.
Link nội dung: https://iir.edu.vn/luat-quy-dinh-the-nao-ve-quyen-hinh-anh-cua-ca-nhan-a17910.html