Chiến thắng Biên giới năm 1950 - Bước nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch của Đảng ta

Chiến thắng Biên giới năm 1950 - Bước nhảy vọt về nghệ thuật chiến dịch của Đảng ta Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trận đánh mở màn của bộ đội ở Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới (1950) Được tái hiện tại khu Di tích lịch sử Đông Khê.

Chiến thắng Chiến dịch Biên giới là biểu hiện sự đúng đắn của đường lối "kháng chiến kiến quốc" và sự trưởng thành vượt bậc của Đảng ta trên mặt trận quân sự. Quyết định mở Chiến dịch Biên giới thể hiện tư duy chiến lược chiến tranh táo bạo, dũng cảm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lý luận và thực tiễn của tất cả các cuộc chiến tranh cho thấy không thể có thắng lợi nếu như trong cuộc chiến tranh không có quả đấm quyết định, những chiến dịch tiêu diệt lớn, những trận đánh điểm huyệt đối phương.

Diễn biến của Chiến dịch Biên giới đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng ta và Bộ Chỉ huy tối cao trong nghệ thuật tiến hành chiến dịch quân sự với trận đánh lớn nối tiếp nhau, với nhiều hình thức tác chiến khác nhau như tiến công cứ điểm, chặn quân tiếp viện, truy kích khi quân địch rút chạy.

Trong quá trình chỉ đạo chiến dịch, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy Chiến dịch luôn theo dõi sát diễn biến của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở chỉ huy tiền phương. Sáng 16/9/1950, từ vị trí quan sát trên ngọn núi Báo Đông (xóm Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An), Người chăm chú theo dõi trận đánh Đông Khê, mở màn Chiến dịch Biên giới. Hình ảnh của vị lãnh tụ cao nhất của Đảng và Nhà nước không ngại khó khăn, nguy hiểm cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo chiến đấu là nguồn động viên lớn cho cán bộ, chiến sĩ, dân công ra sức thi đua "giết giặc lập công", đưa chiến dịch đến toàn thắng. Với những thắng lợi về mặt quân sự, Chiến dịch Biên giới nổi lên như một điển hình mẫu mực về cách đánh vận động và đánh tiêu diệt trong nghệ thuật chiến dịch tiến công của quân đội ta.

Sau 5 năm trong thế phòng thủ giằng co, với những trận đánh nhỏ lẻ, chiến tranh du kích, Chiến dịch Biên giới đánh dấu bước nhảy vọt về chiến lược quân sự chiến tranh chính quy, hiệp đồng binh chủng trên quy mô rộng lớn. Từ thế chủ động chiến lược của kẻ xâm lược, với thất bại chiến trường biên giới, cục diện chiến tranh đã bị đảo lộn. Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới đã đặt cơ sở cho quân và dân ta giành chủ động chiến lược trên chiến trường, đẩy kẻ thù vào thế bị động, đối phó, tạo nên thế và lực mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới.

Với dân tộc Việt Nam, mùa thu là mùa của cách mạng và chiến thắng khởi sự từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mùa thu năm 1950 cũng đã viết nên một trang sử mới với chiến thắng Chiến dịch Biên giới. Thắng lợi này mang lại cho nhân dân Việt Nam niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, tin vào sức mạnh của chính mình để kháng chiến. Với Chiến thắng Biên giới, chúng ta đã phá vỡ thế bị bao vây, củng cố và mở rộng vùng căn cứ cách mạng, mở rộng quan hệ với bạn bè quốc tế, tăng cường thế và lực cho cuộc kháng chiến; thắng lợi của Chiến dịch Biên giới còn mang ý nghĩa dân tộc và thời đại sâu sắc. Đây chính là báo hiệu sự thất bại không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân cũ trên đất nước Việt Nam và trên toàn thế giới.

72 năm đã qua, với chiến thắng Chiến dịch Biên giới, những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trở thành những địa danh lịch sử tô thắm cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam như: Đông Khê, Bông Lau, Thất Khê, đường số 4… Chiến thắng Biên giới là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến: giai đoạn giữ vững thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính, phản công và tiến công làm phá sản hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" và Đại thắng mùa xuân năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Link nội dung: https://iir.edu.vn/chien-thang-bien-gioi-nam-1950-buoc-nhay-vot-ve-nghe-thuat-chien-dich-cua-dang-ta-a17724.html