(KTSG Online) - Cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa là 6 cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam và được kỳ vọng mang về cho Việt Nam từ 14-16 tỉ đô la Mỹ từ xuất khẩu.
Theo Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phê duyệt thì đến 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực cả nước đạt khoảng 2,1-2,3 triệu hecta.
Vào thời điểm đó, sản lượng cà phê nhân đạt 1,8-2,0 triệu tấn, mủ cao su thô 1,3-1,5 triệu tấn, chè búp tươi 1,2-1,4 triệu tấn, hạt điều 360.000 - 400.000 tấn, hồ tiêu 180.000-230.000 tấn và dừa 2,1-2,3 triệu tấn.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm 6 cây công nghiệp chủ lực mang về cho Việt Nam khoảng 14-16 tỉ đô la Mỹ (không tính kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ từ cây cao su).
Cụ thể, đến năm 2030, diện tích cà phê cả nước khoảng 640.000 - 660.000 hecta, trong đó, vùng Tây Nguyên khoảng 600.000 hecta còn lại được trồng tại các tỉnh khác. Cơ cấu diện tích cà phê Robusta khoảng 90-92%, cà phê Arabica khoảng 8-10%.
Diện tích cao su cả nước đến năm 2030 khoảng 800.000 - 850.000 hecta, trong đó, vùng Đông Nam bộ, tiếp đến Tây Nguyên khoảng, còn lại được trồng ở các tỉnh khác chỉ chiếm diện tích nhỏ.
Diện tích trồng chè cả nước khoảng 120.000 - 125.000 hecta, trong đó, chủ lực là ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc với diện khoảng 98.000 - 100.000 hecta.
Đến năm 2030, diện tích điều cả nước khoảng 280.000 -300.000 hecta, trong đó, vùng trồng điều trọng điểm Đông Nam bộ, tiếp đến là Tây Nguyên...
Diện tích trồng hồ tiêu khoảng 80.000 - 100.000 hecta, trong đó, 5 tỉnh vùng Tây Nguyêng trồng 60.000 - 70.000 hecta, còn lại được trồng tại một số tỉnh thành khác.
Diện tích dừa của cả nước khoảng 195.000 - 210.000 hecta, vùng trồng dừa trọng điểm là ĐBSCL với 170.000 - 175.000 hecta, tiếp đến, vùng duyên hải nam trung bộ và các tỉnh thành khác. Cùng với đó là chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa Xiêm xanh bầu, dừa Malaysia, dừa Dứa.... Đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.
Để tăng giá trị cho các vườn dừa, Bộ NN&PTNT có kế hoạch áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa để tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất. Bên cạnh đó, kết hợp xây dựng không gian phát triển vườn dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Link nội dung: https://iir.edu.vn/cay-cong-nghiep-chu-luc-duoc-ky-vong-xuat-khau-ti-do-la-a17649.html