Trước tiên, để hiểu hơn về loại từ đặc biệt này thì ta hãy đến với khái niệm và chức năng của quan hệ từ trong câu. Cùng với đó là những cặp quan hệ từ thường gặp nhé.
Quan hệ từ là những từ được dùng để kết nối nghĩa giữa các bộ phần cấu thành nên câu. Hoặc là kết nối nghĩa giữa các câu lại với nhau, trong một số trường hợp thì nó còn được dùng để nối các đoạn trong một văn bản. Nhờ có quan hệ từ mà nghĩa trong câu, đoạn và cả văn bản trở nên liền mạch và rõ ràng.
Quan hệ từ đã giúp xây dựng các mối quan hệ tiêu biểu sau đây:
Biểu thị một mối quan hệ so sánh giữa các sự vật, sự việc.
Biểu thị cả mối quan hệ sở hữu giữa các đối tượng cụ thể.
Mối quan hệ nguyên nhân - kết quả hay còn gọi là mối quan hệ nhân quả.
Bạn có thể tham khảo một số các ví dụ về quan hệ từ sau đây:
(i). Chú gấu bông kia là của bạn Hân. (Từ “của” là quan hệ từ trong câu)
(ii). Tớ không giỏi đá banh như bạn Tuấn. (Từ “như” là quan hệ từ trong câu)
(iii). Vì tớ rất thích thú cưng nên hôm sinh nhật vừa rồi tớ đã nhận được một chú mèo con xinh xắn (“Vì - nên” là cặp quan hệ từ trong câu).
(iv). Giá như hôm qua mình ôn bài thật kỹ thì hôm nay mình chắc chắn đã làm tốt bài kiểm tra. (“Giá như - thì” là cặp quan hệ từ trong câu).
Qua đó ta có thể thấy được rằng quan hệ từ được xuất hiện trong câu ở các trường hợp là một từ đơn lẻ hoặc đó cũng có thể là một cặp quan hệ từ. Và để biết được đâu là các từ và các cặp quan hệ từ thường gặp cùng với ý nghĩa quan trọng của nó thì bạn hãy đọc tiếp các mục sau đây nhé.
Chức năng của loại từ này được thể hiện rõ rệt thông qua tên gọi của nó - quan hệ từ, nhờ vào khả năng liên kết các nghĩa giữa cụm từ, câu từ hay cả các đoạn văn. Khi sử dụng các quan hệ từ hay còn gọi là nối từ, kết từ vào vị trí phù hợp thì ý nghĩa của các câu, đoạn và văn bản sẽ trở nên logic, mạch lạc và dễ dàng thấu hiểu nội dung mà tác giả muốn mang đến.
Nếu như không sử dụng các từ nối trong lúc làm văn, bài viết ngay lập tức sẽ trở nên mất sự liền mạch, sự logic cũng bị đứt gãy. Từ đó những nội dung trong bài viết mà tác giả muốn truyền đạt cũng sẽ không thể đến với người đọc hoặc có thể khiến cho mạch ý nghĩa trở nên bị méo mó, sai lệch.
Trong tiếng Việt lớp 5 quan hệ từ biểu thị khả năng kết nối các mối quan hệ một cách đa dạng. Sau đây là một vài quan hệ từ mà ta thường gặp thường ngày:
Ngoài những từ nối thì trong tiếng Việt lớp 5 quan hệ từ còn có các cặp từ giúp liên kết ý nghĩa của các đối tượng lại với nhau. Và các cặp quan hệ từ thường gặp cả trong văn nói và viết hiện nay là:
Biểu thị mối quan hệ Điều kiện - Kết quả: Mối quan hệ này cho thấy cần có một sự việc xảy ra để dẫn đến một sự việc khác có liên quan. Các cặp quan hệ từ thường thấy như “nếu - thì”, “giá mà - thì”, “hễ - thì”,... Ví dụ: Nếu hôm nay trời không mưa thì tôi sẽ sang nhà bà.
Biểu thị mối quan hệ Đối lập/Tương phản: Đây là mối quan hệ thể hiện một sự vật, sự việc có sự trái ngược với một sự vật, sự việc khác đang được đề cập đến. Một số cặp quan hệ từ thường dùng là “tuy - nhưng”, “dù - nhưng”,... Ví dụ: Tuy em không được cao nhưng em rất thích chơi thể thao.
Biểu thị mối quan hệ Tăng cường: Khi sử dụng những cặp quan hệ từ này vào một câu sẽ giúp cho các sự vật, sự việc trong câu được tăng lên về tính chất, vấn đề, ý nghĩa,... của đối tượng ấy. Các cặp quan hệ từ thường gặp như “không những - mà còn”, “càng - càng”, “không chỉ - mà còn”,... Ví dụ: Cô giáo em không chỉ xinh đẹp mà còn hát rất hay.
Biểu thị mối quan hệ Nguyên nhân - Kết quả: Những cặp quan hệ từ này sẽ đề cập đến một sự vật, hiện tượng hay đối tượng nào đó diễn ra và là nguyên do dẫn đến kết quả cụ thể nào đó. Các cặp từ thường thấy như là “vì - nên”, “do - nên”, “nhờ - mà”,... Ví dụ: Do em rất thích học môn Toán nên điểm trên lớp môn Toán của em lúc nào cũng cao.
Sau khi đã hiểu được quan hệ từ là gì và có vai trò, chức năng như thế nào thì tiếp đến ta không thể bỏ qua cách sử dụng quan hệ từ trong câu và đoạn văn. Và dưới đây là tất tần tật cách dùng quan hệ từ trong tiếng Việt nhé.
Thông thường, các từ nối đều nằm ở giữa câu nhưng cũng có số ít từ nối được đặt ở đầu câu với nhiệm vụ chủ chốt là dùng để liên kết ý nghĩa giữa câu này với câu khác. Chẳng hạn như câu sau: “tôi học môn Toán rất tốt nhưng môn Văn thì khá kém”, thì giới từ “nhưng” nhằm biểu thị tính trái ngược trong câu giữa hai vế cũng nằm ở giữa câu.
Trong trường hợp sử dụng các cặp quan hệ từ trong các câu và đoạn văn thì từ nối đầu tiên thường sẽ được đặt ở đầu câu. Ví dụ như câu sau: “Vì em được điểm 10 môn Toán nên mẹ đã thưởng em một bịch bánh”, cũng có từ nối đầu tiên nằm ở vị trí đầu câu. Ngoài ra cũng có trường hợp từ thứ nhất trong cặp quan hệ từ nằm ở giữa câu nhưng đó là khi nằm trong một câu dài, có nhiều vế và thành tố.
Khi muốn sử dụng quan hệ từ vào một câu hay đoạn văn nào đó, thì ta cần phải đặc biệt lưu ý đến ý nghĩa mà nó biểu thị có thật sự phù hợp với nội dung mà mình muốn truyền đạt chưa. Ngoài ra thì việc đặt các từ nối vào đúng vị trí cũng vô cùng quan trọng, vì nó sẽ trực tiếp tạo nên tính logic và sự mạch lạc của cả câu, đoạn văn.
Quan hệ từ trong môn tiếng Việt lớp 5 thì được chia thành hai loại như sau:
Quan hệ từ đẳng lập: Đây là những quan hệ từ nằm trong câu với nhiệm vụ liên kết hai vế câu có quan hệ ngang hàng và không phụ thuộc vào nhau.
Quan hệ từ chính phụ: Là các quan hệ từ được sử dụng nhằm mục đích kết dính giữa hai thành tố chính phụ. Giúp cho vai trò bổ nghĩa của thành tố phụ trở nên rõ ràng hơn và làm nối bật ý nghĩa của thành tố chính.
Ví dụ như sau:
Tôi thích ăn bánh kem và em tôi cũng rất thích ăn chúng. (Đây là câu ghép có sử dụng quan hệ từ đẳng lập)
Liên học chăm mỗi ngày nên Liên chắc chắn sẽ nhận được bằng khen học sinh giỏi cuối năm. (Đây là ví dụ cho câu ghép có sử dụng quan hệ từ chính phụ)
Khi sử dụng từ nối hay cặp quan hệ từ cho câu và đoạn của bài viết mình thì bạn hãy đặc biệt lưu ý đến vấn đề có thể lược bỏ hay không quan hệ từ. Vậy thì vì sao phải lược bỏ từ nối khi có thể? Trường hợp này thì có dùng hay không quan hệ từ nghĩa của câu vẫn sẽ không thay đổi, do đó mà có thể lược bỏ quan hệ từ để giúp câu văn trở nên súc tích và ngắn gọn hơn. Cũng như người đọc hoặc nghe cũng sẽ nắm được ý nghĩa nội dung nhanh chóng hơn.
Còn trong trường hợp mà chúng ta buộc phải sử dụng quan hệ từ thì đó là khi mà câu văn có nhiều vế và nghĩa quan trọng cần được làm rõ. Nếu như không sử dụng quan hệ từ thì ý nghĩa của câu sẽ trở nên phi logic và tính mạch lạc cũng bị đứt gãy khiến cho câu từ lủng củng, thiếu sự liên kết.
Xem thêm: Hướng dẫn ba mẹ dạy trẻ cách phát âm chữ t trong tiếng Việt chi tiết và dễ nhớ nhất
Ví dụ cho câu không thể lược bỏ đi quan hệ từ:
(i). Chiếc xe đạp màu xanh kia là của bạn Tân.
→ Trong câu này thì ta thấy được từ “của” là quan hệ từ trong câu. Và để biết được có thể lược bỏ quan hệ từ này hay không thì ta thử xóa nó khỏi câu, đọc lại một lần nữa xem xét về nghĩa và tính mạch lạc. Sau khi lược bỏ đi thì ta có thể thấy rằng nghĩa của câu trở nên mơ hồ, thiếu tính logic và làm nghĩa câu trở nên khó hiểu.
(ii). Tuy tôi không thích màu xanh nhưng tôi khá thích chiếc bánh màu xanh kia.
→ Cặp từ “tuy - nhưng” là quan hệ từ trong câu này. Bạn có thể thấy rõ rằng trong trường hợp này ta cũng không thể xóa bỏ sự hiện diện của cặp quan hệ từ này được vì nghĩa của câu sẽ không được rõ ràng và làm người đọc bị hoang mang.
Ví dụ cho câu có thể lược bỏ đi quan hệ từ:
(iii). Ở cậu ấy toát lên một sự tự tin hiếm thấy.
→ Ở câu này thì quan hệ từ chính là từ “ở”. Và khi ta lược bớt nó đi thì rõ ràng là nghĩa của câu không hề thay đổi, do đó mà đây là một câu có quan hệ từ có thể lược bỏ được.
(iv). Khả năng mà cậu ấy đạt được học bổng rất là cao.
→ Từ “mà” là quan hệ từ trong câu này, bạn cũng có thể thấy ta hoàn toàn có thể bỏ đi từ nối mà vẫn giữ nguyên được nội dung, ý nghĩa mà câu này mang lại.
Để thông thạo và hiểu rõ về quan hệ từ trong tiếng Việt lớp 5 thì bạn nên dành thời gian luyện tập, cũng như là làm các bài tập cả trong sách giáo khoa, bài tập về nhà,... Và sau đây là một vài dạng bài tập có trong tiếng Việt lớp 5 giúp rèn luyện tốt khả năng sử dụng quan hệ từ trong câu, đoạn.
Bài 1:
Mình tên là Ngọc Lan. Mình có một cô bạn rất thân và bạn ấy tên là Mai. Bạn ấy học cùng lớp với mình. Mỗi ngày tụi mình đều học và chơi trò chơi cùng với nhau. Bạn ấy có mái tóc đen dài và đôi má phúng phính rất dễ thương. Bạn ấy là một người rất cởi mở và tất cả mọi người đều yêu quý bạn ấy. Mỗi khi mình bệnh phải nghỉ học thì cậu ấy đều ghi chép lại bài vở riêng cho mình. Bạn ấy cũng là một người rất khéo tay. Vào thời gian rảnh thì tụi mình thường sẽ làm các món đồ thủ công đáng yêu cùng với nhau. Mai là một người hài hước, bạn thấy thường xuyên làm cho mọi người cười vui vẻ. Mình thất sự rất vui vì được làm bạn với Mai. (Sưu tầm Internet)
Câu hỏi: Tìm các quan hệ từ có trong được văn bản trên, chỉ ra câu đó và giải thích ý nghĩa của quan hệ từ đó.
Bài 2: Hãy ghi ra các câu có sử dụng các quan hệ từ sau: “ở”, “của”, “bằng”, “tuy - nhưng”, “hễ mà - thì”, “do - nên”.
Bài 3: Điền các cặp quan hệ từ sau vào chỗ trống thích hợp: (“tuy - nhưng”, “vì - nên”, “giá như - thì”)
… trời mưa… chúng tôi quyết định chơi trong nhà.
Hôm trước … mình ôn bài kỹ … hôm nay mình đã làm tốt bài kiểm tra.
… mình không được cao … mình rất thích chơi thể thao.
Bài 4: Viết một đoạn văn bản ngắn theo chủ đề tả về loài vật mà mình yêu quý nhất và có sử dụng ít nhất 3 quan hệ từ trong câu.
Và đó là 4 bài tập điển hình thường thấy trong sách giáo khoa giúp trẻ rèn luyện cách nhận biết và sử dụng quan hệ từ. Bạn đang muốn luyện bài quan hệ từ hoặc là có các bé nhà học đến bài học này thì đừng quên khuyến khích trẻ làm thêm bài tập thật nhiều nhé. Ngoài các bài tập trên thì cũng có nhiều dạng bài tập khác được biến tấu khác đi một chút những cốt lõi vẫn là việc biết cách dùng và nhận biết được quan hệ từ.
Trên đây là toàn bộ các thông tin chi tiết về tiếng Việt lớp 5 quan hệ từ mà các bậc phụ huynh và con em nên biết. Và đừng quên, để học tốt bài học tiếng Việt này thì cần thời gian ôn luyện, thực hành các bài tập trong sách giáo khoa và hãy thử giải những bài tập ở trong bài viết này nhé.
Link nội dung: https://iir.edu.vn/hoc-tieng-viet-lop-5-quan-he-tu-cach-su-dung-va-nhung-kien-thuc-quan-trong-a16080.html