THƯỢNG HẢI
Bắt đầu rơi vào trạng thái “burn out” sau khi kết thúc kỳ thực tập ở năm cuối đại học, Doãn Thị Hằng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, luôn cảm thấy bản thân mình mệt mỏi và vô cùng áp lực.
“Khi sắp ra trường, mình vẫn chưa có định hướng nào cho bản thân nên thường hay nhận việc này, việc kia để làm nhưng cảm thấy chưa hòa hợp được với nó và dần hoài nghi về bản thân, cuối cùng mình cũng không biết nên duy trì tình trạng này đến bao giờ. Cứ suy nghĩ lẩn quẩn mãi nhưng vẫn không có lối ra”, Hằng bày tỏ.
Hằng cho biết thêm giai đoạn đó cô nàng cảm thấy chán mọi thứ, không muốn làm gì hay gặp ai, sợ phải so sánh bản thân mình với người khác. "Rồi cảm giác buồn, lo sợ cứ tiếp diễn khiến mình càng ngày càng không kiểm soát được cảm xúc để làm được việc khác", Hằng nói và chia sẻ thêm: “Dù đang thả trôi bản thân nhưng mình vẫn cứ suy nghĩ nên dẫn đến mất ngủ, lo lắng, ăn uống không ngon và làm việc gì cũng chỉ để đối phó cho xong. Rồi cảm thấy dường như không còn năng lượng và không tin vào khả năng của bản thân mình nữa”.
Cũng rơi vào tình trạng “burn out”, Đỗ Đông Hào, sinh viên Trường ĐH Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho hay sự áp lực đến với bản thân Hào là do không thể quản lý được các công việc.
“Khuyết điểm của mình là không thể từ chối yêu cầu của bất cứ ai. Có những công việc dù trong lòng không muốn nhận làm nhưng vẫn phải miễn cưỡng vì nghĩ về trách nhiệm, thấy bản thân cần phải hoàn thiện hơn nữa”, Đông Hào nói.
Mất thời gian khá lâu và được người thân, bạn bè động viên thì Đông Hào mới dần thoát khỏi trạng thái "burn out"
NVCC
Nhưng điều này đã dần khiến Hào rối bời, mất phương hướng, không có động lực và không hiểu rõ bản thân mình. “Đêm nào về thì chỉ số năng lượng của mình cũng gần như bằng 0. Đỉnh điểm, mình đã từ chối tất cả mọi thứ trong vài ngày chỉ vì không biết vì sao mình phải làm những việc đó và nên làm gì tiếp theo”, Hào bộc bạch.
Lý giải về trạng thái “burn out”, anh Huỳnh Duy Khương, Giám đốc huấn luyện Học viện kỹ năng AYP, cho biết đây là thuật ngữ thể hiện việc chúng ta bị "cháy sạch" và cạn kiệt tất cả những động lực, năng lượng, cả về trí óc lẫn sức khỏe. Mỗi ngày chỉ đi làm, đi học với sự mệt mỏi, áp lực chứ không còn mang lại giá trị đóng góp gì nữa và bản thân cũng cảm thấy mình không còn giá trị gì xứng đáng.
Anh Khương cho rằng có rất nhiều nguyên do dẫn đến sự “burn out” nhưng nhìn chung sẽ gồm một chuỗi các biểu hiện: "Đó là nỗ lực làm việc nhiều nhưng kết quả chẳng bao nhiêu. Khi trở về nhà trong người luôn với trạng thái mệt mỏi nhưng lại lo lắng chưa làm hết công việc rồi tiếp tục lao vào làm bất kể giờ giấc. Do không biết cách để từ chối dẫn tới áp lực và hay cáu gắt, mâu thuẫn với người khác. Dần dần sẽ cảm thấy lờ đờ, uể oải trong mọi việc nhưng vẫn cố tỏ ra mình ổn và không nhận sự giúp đỡ vì không muốn bày tỏ sự yếu đuối trước người khác".
Và anh Khương cho biết đến khi mọi thứ vượt qua giới hạn chịu đựng thì chúng ta sẽ bị ‘burn out’. Khi ấy muốn bỏ mặc thế giới, xa lánh mọi thứ, không còn quan tâm đến công việc, tương lai hay mối quan hệ nào hết. Trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến trầm cảm và các chấn thương tâm lý, thể xác...
Vậy làm gì để không rơi vào tình trạng “burn out”? Theo anh Duy Khương, việc đầu tiên là không được suy nghĩ tiêu cực và phải xem những áp lực trước mắt là sự trải nghiệm để xem giới hạn mình đến đâu.
“Hãy viết ra giấy những điều mình đang suy nghĩ để nhìn vào rồi dần bình tĩnh lại, sau đó bắt đầu chọn lọc xem cái nào quan trọng, cái nào có thể bỏ ra và điều gì thì mình cần những lời khuyên từ người khác. Đừng sợ bị đánh giá khi mình hỏi, hãy xem việc yêu cầu được giúp đỡ là một việc dũng cảm. Khi hoàn thành xong công việc thì hãy tự hào, cho bản thân được ăn mừng để có hứng thú tiếp tục. Và cuối cùng là hãy học điều gì đó mới trong quá trình trải nghiệm để bước ra khỏi áp lực", anh Khương chia sẻ về cách để không rơi vào tình trạng "burn out".
Link nội dung: https://iir.edu.vn/burn-out-la-gi-ma-khien-nguoi-tre-khong-con-muon-lam-moi-thu-a15977.html