Quyền bình đẳng trong kinh doanh có nghĩa là gì? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Hiện nay chưa có quy định nào định nghĩa về bình đẳng trong kinh doanh. Tuy nhiên, có thể hiểu bình đẳng trong kinh doanh có nghĩa là việc mọi cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các quan hệ kinh tế có quyền tự do lựa chọn ngành, nghề kinh doanh mà mình có tiềm năng phát triển, tự do lựa chọn địa điểm kinh doanh phù hợp với ngành nghề và phù hợp với chủ thể kinh doanh, tự do lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với nhân lực, nguồn vốn và sự phát triển (có thể là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh hay công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn), ngoài ra pháp luật còn quy định các chủ thể có quyền và nghĩa vụ bình đẳng với nhau trong kinh doanh.
Theo Điều 12 Luật Bình đẳng giới 2006 có quy định về quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế như sau:
Nam, nữ bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Theo đó, các biện pháp thúc đẩy quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;
- Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nam, nữ có quyền bình đẳng trong kinh doanh như thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động.
Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
(1) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I Luật Đầu tư 2020;
(2) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II Luật Đầu tư 2020;
(3) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III Luật Đầu tư 2020;
(4) Kinh doanh mại dâm;
(5) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
(6) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
(7) Kinh doanh pháo nổ;
(8) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Lưu ý: Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm (1), (2), (3) trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
- Mọi công dân có quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh
- Mọi doanh nghiệp đều có quyền tự chủ đăng ký kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.
- Mọi doanh nghiệp đều được bình đẳng trong việc khuyến khích phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh Nhà nước trao giải cho các doanh nhân giỏi.
- Mọi doanh nghiệp đều có quyền chủ động mở rộng quy mô và ngành, nghề kinh doanh; chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng;chủ động lựa chọn hình thức và cách thức huy động vốn; tự do liên doanh với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; tự chủ kinh doanh để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh
- Mọi doanh nghiệp đều bình đẳng về nghĩa vụ trong quá trình sản xuất kinh doanh như kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký; nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; tuân thủ pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường; …
Link nội dung: https://iir.edu.vn/quyen-binh-dang-trong-kinh-doanh-co-nghia-la-gi-a15892.html