Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão. Cùng tham dự tại các điểm cầu có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; bí thư, chủ tịch UBND các địa phương.

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Theo các báo cáo, bão số 3 là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đến 6h ngày 15/9, đã có 353 người chết và mất tích.

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ và đại biểu dành 1 phút mặc niệm đồng bào bị tử nạn do cơn bão số 3

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cơn bão Yagi là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: Cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần. Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão. Thủ tướng Chính phủ đã có 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả, liên tục cập nhật các chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng, địa phương, chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá, bão số 3 là cơn bão có sức tàn phá rất lớn, gây ảnh hưởng nặng nề không chỉ ở Việt Nam mà còn ở một số các nước trên đường cơn bão đi qua như Lào, Myanma… Để có thể khắc phục thiệt hại trực tiếp và gián tiếp của bão số 3 gây ra cần nhiều thời gian, vật chất và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Theo Bộ trưởng, công tác phòng chống bão và hoàn lưu bão số 3 đã đạt được kết quả tích cực, góp phần hạn chế thiệt hại do bão số 3 gây ra; từ đó có thể rút ra một số bài học như: (i) Công tác dự báo bão và hoàn lưu của bão lần này rất đúng, trúng và kịp thời, thông tin được cập nhật thường xuyên, liên tục; nhờ đó phần nào đã khắc phục được tâm lý lơ là, chủ quan của các cấp, các ngành, địa phương và người dân; (ii) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai rất kịp thời, sâu sát, quyết liệt, dứt khoát, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm (cả về không gian và thời gian) nên đã giảm bớt thiệt hại do bão gây ra; (iii) Sự vào cuộc đồng bộ, sâu sát, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị chức năng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện, phối hợp đồng bộ trong công tác phòng, chống bão lũ tại các địa phương đã góp phần nâng cao năng lực phòng chống bão của các địa phương trong tâm bão, tâm lũ và vùng ảnh hưởng của bão lũ. Đặc biệt, sau cơn bão số 3, có thể thấy người dân trong vùng bão lũ đã khắc phục được tâm lý chủ quan và chấp hành tốt hơn chỉ đạo của các cơ quan chức năng; (iv) Trong và sau cơn bão, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã làm rất tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kịp thời phát động cuộc vận động ủng hộ của đồng bào cả trong và ngoài nước, người nước ngoài ở Việt Nam, các tổ chức quốc tế, các nước bè bạn… đối với đồng bào bị thiệt hại do bão lũ gây ra; (v) Qua phòng, chống bão số 3, chúng ta đã, đang làm tốt công tác cảnh báo cho người dân và toàn thể xã hội về biến đổi khí hậu và những thảm họa của thiên tai đối với Việt Nam không còn là điều xa vời.

Đối với ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và các Công điện của Thủ tướng Chính phủ, từ trước, trong và sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 10 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị ứng phó, phòng ngừa giảm thiểu và kịp thời khắc phục các thiệt hại do bão, lũ gây ra. Toàn Ngành đã và đang nỗ lực rất cao, tập trung khắc phục nhằm cung ứng đầy đủ điện và xăng dầu phục vụ khôi phục sản xuất và đời sống người dân. Hiện nay, hệ thống phát điện đã phục hồi hoàn toàn cho tất cả các nhà máy và hệ thống truyền tải, lưới điện cơ sở cũng đã được khẩn trương hoàn thiện, khắc phục; tình hình cung ứng xăng dầu cơ bản được bảo đảm. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương để bám sát tình hình thực tế và kịp thời phối hợp với các Sở Công Thương xử lý việc cung ứng hàng hóa cho địa phương nhằm duy trì cung ứng tốt, đầy đủ và kịp thời các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, bảo đảm thị trường không bị khan hàng, tăng giá đột biến; lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai các hoạt động giám sát, kiểm soát thị trường, cung, cầu, giá cả hàng hoá trong nhiều ngày qua tại các địa phương, nhất là các tỉnh miền núi nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, Bộ đã chủ động thành lập các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác vận hành các liên hồ chứa, hồ đập các dự án thủy điện, đảm bảo an toàn sau bão; tiếp tục chỉ đạo để khôi phục sản xuất, duy trì phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế:

Thứ nhất, tập trung cao độ mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả của bão số 3, nhất là về vệ sinh môi trường, thống kê thiệt hại để làm cơ sở hỗ trợ, khắc phục; khôi phục hạ tầng giao thông, điện, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế, thương mại; hỗ trợ ổn định đời sống người dân về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, chỗ ở, đi lại; tìm kiếm người mất tích và mai táng người xấu số; ban hành những chính sách hỗ trợ đủ mạnh và khả thi để khắc phục hậu quả của bão và phục hồi sản xuất, đời sống của người dân.

Thứ hai, tập trung các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng, lạm phát mới; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng có xu thế tăng giá sau bão, lũ, như lương thực, thực phẩm, vật tư sửa chữa nhà cửa, cơ sở sản xuất …

Thứ ba, tiếp tục thực hiện kích cầu tiêu dùng để phát triển thị trường trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa trên các nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng tiêu dùng nội địa; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Tranh thủ tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và các cơ hội xuất khẩu ra các thị trường thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Khai thác tối đa thị trường truyền thống, khai mở các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.

Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ việc giải ngân vốn đầu tư FDI và thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để có thêm nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, như được khoanh, giãn, hoãn nợ, cho vay mới, giãn thuế, hoãn thuế; đơn giản thủ tục hành chính để giải phóng năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Thứ sáu, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống nhân dân; xuất cấp gạo kịp thời hỗ trợ người dân lúc giáp hạt tại các vùng bị thiên tai...

Từ trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành 10 công điện để chỉ đạo các đơn vị ứng phó, phòng ngừa giảm thiểu thiệt hại và khắc phục thiệt hại do bão. Trước khi bão vào, Bộ đã tổ chức các đoàn công tác, phối hợp Tập đoàn Điện lực Việt Nam trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó, đảm bảo cung cấp điện; thành lập Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết và dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định,….

Ngay sau khi bão tan, Bộ đã tổ chức các đoàn công tác tới các địa phương như Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả đồng thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão. Kịp thời thông tin về nguồn cung hàng hóa thiết yếu nhằm ổn định tâm lý của người dân, tránh việc đổ xô mua hàng tích trữ.

Hiện nay, Lĩnh vực điện lực đã cơ bản khắc phục sự cố, cấp điện trở lại, nguồn điện đầy đủ và có dự phòng; Các công trình thủy điện được đảm bảo an toàn, vận hành đúng quy trình; Tình hình cung ứng xăng dầu tại các tỉnh phía Bắc đã cơ bản được bảo đảm; Các chuỗi phân phối hàng hóa lớn đã tăng 3-5 lần tần suất nhập rau, củ, quả từ các tỉnh miền Trung, miền Nam để đưa ra miền Bắc như: Saigon Co.op, AEON Việt Nam,... Hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp đã cơ bản được khắc phục và hoạt động trở lại tại các tỉnh thiệt hại nhẹ như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…

Link nội dung: https://iir.edu.vn/hoi-nghi-thuong-truc-chinh-phu-voi-cac-dia-phuong-bi-anh-huong-do-con-bao-so-3-a15824.html