Bài 3: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng

Quán triệt, thống nhất cao về nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của vùng và liên kết vùng; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách, đầu tư để khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, tạo nguồn lực, động lực phát triển mới cho Thủ đô, vùng Thủ đô và toàn vùng.

Khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức không gian phát triển vùng bảo đảm cân bằng, bền vững, kết nối hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, các cực tăng trưởng và hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông. Quy hoạch các địa phương bảo đảm phù hợp với quy hoạch vùng; xây dựng và triển khai hiệu quả các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm. Quy hoạch các địa phương có biển phù hợp với quy hoạch không gian biển Quốc gia và Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Công khai, thực hiện nghiêm và hiệu quả các quy hoạch. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Tiếp tục phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là đầu tàu, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng; phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến có giá trị gia tăng cao, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, tài chính, ngân hàng, du lịch và đô thị thông minh. Vùng Nam đồng bằng Sông Hồng phát triển các ngành nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn; công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển các khu kinh tế ven biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, tâm linh gắn với bảo vệ môi trường.

Thực hiện thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tập trung đầu tư phát triển các hành lang kinh tế, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng, quốc tế.

Bài 3: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Các đồng chí chủ tọa hội thảo Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng, tổ chức tại Nam Định

Thứ hai, phát triển kinh tế vùng

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát huy vai trò đầu tàu, động lực của các tỉnh, thành phố trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả các trung tâm đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, phấn đấu ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, có lợi thế. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, robot, công nghiệp môi trường, công nghiệp năng lượng tái tạo, vật liệu mới. Thúc đẩy phát triển các vành đai công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh. Phát huy lợi thế nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh quy mô lớn, chất lượng cao. Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp; hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản. Nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bảo vệ, giữ gìn môi trường, không gian cảnh quan, gắn phát triển các làng nghề truyền thống.

Phát triển vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á; trong đó Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, du lịch mang tầm khu vực và quốc tế; thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Tập trung phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế và đa dạng loại hình dịch vụ. Chuyển đổi số toàn diện hệ thống ngân hàng. Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đa dạng, độc đáo, gắn với phát huy giá trị của nền văn minh Sông Hồng; chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch; tiếp tục đầu tư phát triển các khu du lịch quốc gia trong vùng, phấn đấu đến năm 2030 thu hút trên 120 triệu lượt khách. Tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với các khu đô thị ven biển. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đào tạo nhân lực biển. Hoàn thiện Trung tâm nghề cá lớn tại Hải Phòng.

Thứ ba, phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại

Phát triển hệ thống đô thị trong vùng theo mạng lưới, phân bố hợp lý, thông minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; lấy định hướng phát triển giao thông công cộng (theo mô hình TOD) làm cơ sở quy hoạch đô thị. Chú trọng phát triển các đô thị hai bên bờ Sông Hồng và các sông lớn trong vùng. Triển khai hiệu quả xây dựng Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; phát huy vai trò hạt nhân, động lực của các đô thị trong vùng. Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc; thành phố Hải Phòng xanh, thông minh, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại đặc biệt; hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng.

Đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển các trung tâm hành chính tỉnh, thành phố để tăng cường liên kết và hình thành các chuỗi đô thị. Tiếp tục thực hiện di dời các trường đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thủ đô Hà Nội. Tập trung cải tạo, chỉnh trang các chung cư hết niên hạn sử dụng, chung cư xuống cấp, mất an toàn, đặc biệt là ở các đô thị. Có chính sách đủ mạnh thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hoá.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình động lực, có tính lan toả, kết nối vùng. Tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn, nhất là hạ tầng viễn thông băng rộng, điện toán đám mây, IoT… Đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư các công trình văn hoá, thể thao, du lịch. Chú trọng đầu tư các công trình thu gom, xử lý rác thải, nước thải, chống ngập, nhất là tại Hà Nội, các đô thị lớn. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi, đê sông, đê biển; chú trọng đầu tư các công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, hạ tầng số, hạ tầng đô thị, các dự án giao thông đô thị, các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, hệ thống giao thông tĩnh; khẩn trương hoàn thành các tuyến Metro tại Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu đầu tư các tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc...

Đến năm 2030, hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và các tuyến vành đai vùng thủ đô (ưu tiên vành đai 4, vành đai 5). Nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến quốc lộ. Đầu tư hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc qua vùng theo quy hoạch và đường bộ ven biển. Cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận đạt tiêu chuẩn quốc tế; hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (xây dựng đoạn Hà Nội - Vinh), tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến vành đai phía Đông, Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Thạch Lỗi).

Cải tạo các tuyến đường thuỷ nội địa từ Hải Phòng, Quảng Ninh đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tuyến ven biển Vạn Gia - Ka Long; nâng cấp tĩnh không cầu Đuống, nạo vét luồng lạch tại các điểm nghẽn hạ tầng trên Sông Hồng. Đầu tư các bến mới tại cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh; khai thác hiệu quả cảng quốc tế Lạch Huyện. Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn theo quy hoạch.

Bài 3: Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Quang cảnh hội thảo

Thứ tư, phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Tập trung phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số. Xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho vùng. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia phát triển các quỹ phát triển khoa học - công nghệ; thành lập và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường khoa học - công nghệ hiệu quả, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với thực tế Việt Nam và thông lệ quốc tế. Tăng đầu tư, đa dạng hoá và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho phát triển khoa học - công nghệ.

Phát triển nhanh doanh nghiệp công nghệ số; tăng nhanh tỉ trọng kinh tế số trong GDP. Khẩn trương phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, hướng đến công nghệ 6G. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh. Xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng, phát triển mạnh các công nghệ mới và kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ vùng, cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam.

Thứ năm, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây là nhóm nhiệm vụ quan trọng để phát huy lợi thế của vùng về yếu tố con người và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát huy vai trò là trung tâm của cả nước trong đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tập trung phát triển năng lực, kỹ năng, phẩm chất cho người học, hài hoà đức, trí, thể, mỹ. Đổi mới giáo dục mầm non theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em. Chuẩn hoá và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông cả trí tuệ, thể chất. Tăng cường đầu tư, phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, một số trường đại học lớn trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hoá và tự chủ đại học; tập trung đầu tư xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới.

Tập trung đầu tư, thu hút mọi nguồn lực xã hội cho phát triển nhân lực, trọng tâm là đào tạo nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập, có sự kiểm soát, quản lý, điều tiết của nhà nước. Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ, hội nhập quốc tế; thúc đẩy chuyển dịch và phân bổ hợp lý lao động; hình thành cơ sở dữ liệu quản lý lao động, kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Thứ sáu, phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân

Phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, tạo sức mạnh nội sinh to lớn của vùng; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh của Nhân dân trong vùng. Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển du lịch; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể; tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Phát triển mạng lưới thiết chế văn hoá đồng bộ, hiện đại. Xây dựng các sản phẩm, dịch vụ văn hoá đặc trưng của nền văn minh Sông Hồng. Nâng cấp, hiện đại hoá một số bảo tàng lớn, trung tâm điện ảnh, nhà hát tại Hà Nội và các đô thị lớn trong vùng. Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hoá. Rà soát, phục dựng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị, di tích lịch sử, di sản văn hoá của các địa phương. Phát triển Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội, thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá, kinh tế thể thao. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, phổ cập và hiện đại; hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả trước các rủi ro về kinh tế - xã hội và môi trường. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách về ưu đãi người có công, giảm nghèo bền vững, trợ giúp xã hội. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Phát triển đồng bộ hệ thống y tế vùng theo quy hoạch; bảo đảm mọi người dân có cơ hội tiếp cận bình đẳng dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân. Đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội ngang tầm các trung tâm chuyên sâu kỹ thuật cao của khu vực và thế giới; gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Nâng cấp bệnh viện đa khoa cấp tỉnh hạng I để đảm nhận vai trò bệnh viện tuyến cuối. Tăng cường quản lý dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế. Duy trì tỉ lệ sinh, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính. Thực hiện tốt chính sách tôn giáo.

Thứ bảy, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, ít phát thải khí nhà kính. Tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững đất đai; bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở dữ liệu địa chính toàn vùng. Đánh giá đúng hiện trạng đất chưa sử dụng trong vùng. Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất; kiên quyết xử lý, thu hồi đúng pháp luật, không để tái diễn tình trạng dự án "treo"; chấn chỉnh, lành mạnh hoá thị trường bất động sản.

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước. Hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực Sông Hồng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh nguồn nước lưu vực Sông Hồng, Sông Đà, Sông Lô. Có biện pháp để cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực các sông Nhuệ, Đáy, Bắc Hưng Hải... Tăng nhanh tỉ lệ dân cư được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các đô thị khác. Xây dựng, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút đầu tư phát triển các khu xử lý rác thải, nước thải và phục hồi các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt.

Phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ hải sản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia; ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển. Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng cửa Sông Hồng, sông Thái Bình, các vùng ngập nước.

Thứ tám, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Đây là nhóm nhiệm vụ rất quan trọng với đặc thù của vùng là có Thủ đô Hà Nội và có biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc, nhất là khu vực phòng thủ của vùng và các địa phương trong vùng. Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với củng cố quốc phòng, an ninh. Triển khai hiệu quả các quy hoạch quốc phòng; đầu tư xây dựng các khu kinh tế quốc phòng theo quy hoạch.

Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không bị động, bất ngờ. Chủ động phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hoá mọi âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, phản động. Bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trên các lĩnh vực; bảo đảm an ninh trật tự; bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh trật tự; ứng phó có hiệu quả các tình huống, các mối đe doạ an ninh truyền thống, phi truyền thống.

Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường thu hút FDI, ODA; phát triển quan hệ thương mại ổn định, bền vững với thị trường Trung Quốc, phát huy vị trí cửa ngõ kết nối của ASEAN, đa dạng hoá đối tác thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh). Làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác.

Thứ chín, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Các cấp uỷ, tổ chức đảng các địa phương trong vùng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Tiếp tục hoàn thiện mô hình chính quyền các cấp, phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tăng cường phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực và tổ chức bộ máy gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Đổi mới công tác dân vận, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

"Nghị quyết 30-NQ/TW yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư"./.

Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế

Link nội dung: https://iir.edu.vn/bai-3-nhiem-vu-va-giai-phap-chu-yeu-phat-trien-vung-dong-bang-song-hong-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045-a15814.html