Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam - Tạp chí Tài chính

Đặt vấn đề

Tất cả quốc gia trên thế giới đều mong muốn trở thành nước công nghiệp hiện đại. Con đường duy nhất để đạt được mong muốn này chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, trong đó, phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Kinh tế.

Theo nghiên cứu của Bùi Tất Thắng (2006), Nguyễn Trọng Uyên (2007), Trần Thọ Đạt và Ngô Quang Cảnh (2015), các tiêu chí đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế gồm: Cơ cấu GDP, Cơ cấu giá trị sản xuất, Cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế và Cơ cấu hàng xuất khẩu. Đồng thời, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình CNH-HĐH gồm: Sự tác động của Nhà nước; các nguồn lực của nền kinh tế (điều kiện tự nhiên, nguồn nhân lực, vốn đầu tư, tiến bộ khoa học - công nghệ); nhân tố cầu thị trường.

Dựa trên cơ sở lý luận này, bài viết đánh giá thành tựu, hạn chế và xác định nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1986-2022. Từ đó, xác định phương hướng, mục tiêu và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở Việt Nam đến năm 2030.

Thành tựu chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

Trong giai đoạn 1986-2022, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình CNH-HĐH, cụ thể:

Hình 1: Cơ cấu GDP phân theo nhóm ngành kinh tế ở Việt Nam giai đoạn 1986-2022

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam - Tạp chí Tài chính
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ nhất, theo Bùi Tất Thắng (2006), cơ cấu GDP giữa các ngành kinh tế là một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh xu hướng vận động và mức độ thành công của quá trình CNH. Cơ cấu này ở nước ta trong thời gian qua đã chuyển dịch theo quy luật của chuyển dịch cơ cấu ngành trong quá trình CNH-HĐH, cụ thể: Tỷ trọng nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP có xu hướng giảm xuống, từ mức 38,06% năm 1986 giảm xuống còn 24,53% năm 2000 và còn 11,88% vào năm 2022 (bình quân giảm 0,73%/năm); Tỷ trọng nhóm ngành Công nghiệp và xây dựng có xu hướng tăng mạnh nhất, từ mức 28,88% năm 1986 lên mức 36,73% năm 2000 và đạt mức 38,26% vào năm 2022 (bình quân tăng 0,26%/năm); Tỷ trọng nhóm ngành Dịch vụ cũng có xu hướng tăng lên, từ mức 33,06% năm 1986 lên mức 38,74% năm 2000 và đạt mức 41,33% vào năm 2022 (bình quân tăng 0,23%/năm).

Để đánh giá sát thực hơn sự chuyển dịch cơ cấu ngành của nền kinh tế theo hướng CNH-HĐH, việc phân tích cơ cấu các phân ngành (cấp II, cấp III…) có một ý nghĩa rất quan trọng. Thông thường, cơ cấu phân ngành phản ánh sát hơn khía cạnh chất lượng và mức độ HĐH của nền kinh tế. Tại Việt Nam, trong nội bộ ngành Nông nghiệp đã chuyển dịch từ loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Chẳng hạn như diện tích trồng lúa giảm từ 7,3 triệu ha năm 2005 xuống còn 7,1 triệu ha năm 2022, diện tích trồng ngô giảm từ 1 triệu ha năm 2005 xuống còn 0,9 triệu ha năm 2022; trái lại. diện tích trồng cà phê tăng từ 500 nghìn ha năm 2005 lên 709 nghìn ha năm 2022... Trong nội bộ ngành Lâm nghiệp, tổng diện tích rừng tăng từ 13,3 triệu ha năm 2010 lên 14,8 triệu ha năm 2022, làm cho tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 39,5% lên 42% trong khoảng thời gian này.

Trong nội bộ nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng thì tỷ trọng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng từ 18,82% GDP năm 2005 lên mức 24,76% năm 2022 (bình quân tăng 0,35%/năm). Trong giai đoạn 2012-2022, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học (đạt tốc độ tăng trưởng là 15,3%/năm), sản xuất kim loại (13,6%/năm), sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (11,3%/năm)...

Cơ cấu nội bộ nhóm ngành dịch vụ trong giai đoạn 2005-2022 đã chuyển dịch theo hướng hiện đại, hợp lý và hiệu quả, cụ thể là tỷ trọng trong GDP của ngành Vận tải, Kho bãi; Thông tin và Truyền thông; Khoa học công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Y tế đều có xu hướng tăng lên. Trái lại, tỷ trọng các ngành bán buôn và bán lẻ; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động kinh doanh bất động sản lại có xu hướng giảm xuống.

Hình 2: Cơ cấu lao động phân theo nhóm ngành kinh tế Việt Nam giai đoạn 1990-2022

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam - Tạp chí Tài chính
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Thứ hai, cùng với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động phân theo ngành kinh tế. Theo Bùi Tất Thắng (2006), cơ cấu này “mới là chỉ tiêu phản ánh sát thực nhất mức độ thành công về mặt kinh tế - xã hội của quá trình CNH-HĐH”. Jungho Yoo (2005) coi thời điểm bắt đầu tiến trình CNH ở một nền kinh tế khi tỷ trọng nông nghiệp chếm 50% tổng lao động xã hội và kết thúc khi tỷ trọng lao động nông nghiệp chỉ còn 20% tổng lao động xã hội. Ở nước ta thời gian qua, cơ cấu lao động phân theo nhóm ngành kinh tế cũng đã chuyển dịch theo hướng tỷ trọng lao động nhóm ngành Nông - lâm - thủy sản đã giảm từ 73,02% năm 1990 xuống còn 27,54% năm 2022 (bình quân giảm 1,42%/năm); trái lại, tỷ trọng lao động nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đã tăng từ 11,24% lên 33,45% (bình quân tăng 0,69%), tỷ trọng lao động nhóm ngành dịch vụ cũng đã tăng từ 15,74% lên 39,02% (bình quân tăng 0,73%) trong cùng kỳ (Hình 2). Như vậy, lao động đã có sự chuyển dịch từ khu vực có năng suất lao động thấp sang các khu vực có năng suất lao động cao hơn, từ đó làm tăng năng suất trung bình của nền kinh tế, cho thấy sự đóng góp rõ ràng cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế còn được thể hiện ở sự chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và “cơ cấu này cũng được xem như một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH”. Cơ cấu kim ngạch xuất khẩu phân theo ngành kinh tế ở nước ta trong thời gian qua cũng đã chuyển dịch theo hướng tiến bộ, thể hiện kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm từ 14,6% năm 2015 xuống còn 9,2%% năm 2022. Trái lại, kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 82,1% năm 2015 lên 89,6% năm 2022.

Hình 3: Dự báo cơ cấu GDP phân theo nhóm ngành kinh tế đến năm 2030

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam - Tạp chí Tài chính
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu của Tổng cục Thống kê

Hầu hết các nước đã trải qua quá trình CNH để trở thành một nước công nghiệp phát triển đều cơ bản trải qua một mô hình chung trong cơ cấu hàng xuất khẩu là: từ chỗ chủ yếu xuất khẩu hàng sơ chế sang các mặt hàng công nghiệp chế biến, lúc đầu là các mặt hàng công nghiệp chế biến sử dụng nhiều lao động, kỹ thuật thấp chuyển dần sang các mặt hàng công nghiệp chế biến sử dụng công nghệ - kỹ thuật cao (Bùi Tất Thắng, 2006). Đối với Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong năm 2022 là: Điện thoại các loại và linh kiện (58 tỷ USD); hàng điện tử, máy tính và linh kiện (55,5 tỷ USD); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (45,7 tỷ USD); hàng dệt may (37,5 tỷ USD)… Điều này phản ánh trình độ cơ cấu ngành của nền kinh tế đã cao hơn trước rất nhiều.

Hạn chế và nguyên nhân chủ yếu

Bên cạnh những thành tựu đạt được, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình CNH-HĐH ở Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, bất cập, cụ thể:

Một là, cơ cấu GDP phân theo nhóm ngành kinh tế ở nước ta trong thời gian qua chuyển dịch theo hướng tiến bộ còn chậm. Nhóm ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ trọng cao; trái lại nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp trong GDP.

Trong ngành Nông nghiệp, sự chuyển dịch của cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn mang nặng tính tự phát dẫn đến điệp khúc “được mùa, mất giá”, trình độ lực lượng sản xuất thấp, hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh là kinh tế hộ gia đình còn chiếm tuyệt đại đa số. Các mô hình kinh tế hợp tác như hợp tác xã, liên kết bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp), cánh đồng lớn, chuỗi liên kết còn hẹp, chưa phổ biến.

Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng còn chậm, còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP. Trình độ của ngành này còn thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông, gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng còn thấp. Các ngành công nghiệp phụ trợ còn kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Đối với nhóm ngành Dịch vụ thì ngành thương nghiệp, dịch vụ lưu trú và ăn uống còn chiếm tỷ trọng cao trong GDP; trái lại các ngành dịch vụ cao cấp như vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, hoạt động tài chính ngân hàng, hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế… còn chiếm tỷ trọng thấp trong GDP.

Hai là, lao động ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ trọng cao (27,54% năm 2022) trong tổng lao động xã hội. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp.

Những hạn chế, bất cập trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau: (i) Chất lượng công tác quy hoạch các cấp, các ngành, các vùng còn thấp, chưa đồng bộ, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm ngặt; chưa có sự điều chỉnh và bổ sung kịp thời phù hợp với bối cảnh tình hình mới; (ii) Về cơ cấu lao động đang làm việc trong nền kinh tế thì lao động nhóm ngành nông - lâm - thủy sản còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng lao động xã hội; tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo còn thấp; còn mất cân đối trong cơ cấu về trình độ và ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo còn thấp; (iii) Về vốn đầu tư, năng lực huy động nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, cơ cấu đầu tư chưa thật hợp lý, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng giảm xuống; (iv) Về khoa học - công nghệ, cơ cấu kỹ thuật, công nghệ còn nhiều tầng, nhiều trình độ, trong đó trình độ thấp còn phổ biến, tốc độ đổi mới công nghệ của các đơn vị kinh tế còn chậm; (v) Khâu tiêu thụ hàng hóa còn nhiều khó khăn, thiếu ổn định.

Phương hướng và mục tiêu đến năm 2030

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra vô cùng mạnh mẽ cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong thời gian tới phải gắn với việc đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất một cách thích hợp; phải tuân theo quy luật của chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế trong quá trình CNH-HĐH; phải phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế tĩnh hiện có, đồng thời phải tạo lập những lợi thế động trong tương lai. Cụ thể:

Thứ nhất, về cơ cấu GDP phân theo nhóm ngành kinh tế thì tăng nhanh tỷ trọng nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong GDP, giảm tương ứng tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP. Dựa trên cơ sở dữ liệu về cơ cấu ngành kinh tế ở nước ta trong giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2022 của Tổng cục Thống kê, nghiên cứu này đã sử dụng mô hình ARIMA (Mô hình tự hồi quy đồng liên kết trung bình trượt) trên phần mềm Stata 11 để dự báo xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế từ năm 2023 đến năm 2030 và được biểu diễn trên Hình 3. Biểu đồ này cho thấy, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong GDP vào năm 2030 giảm xuống chỉ còn 1,12%, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng tăng lên mức 39,91% và tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên mức 44,81%.

Trong nội bộ ngành Nông nghiệp, cần tiếp tục chuyển dịch theo hướng từ cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Cần tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp an toàn có chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp sinh thái. Nhân rộng các mô hình hợp tác có hiệu quả trong nông nghiệp như mô hình hợp tác xã, cánh đồng lớn, liên kết bốn nhà, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm hạn chế tình trạng “được mùa, mất giá”, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nông dân.

Trong nội bộ nhóm ngành Công nghiệp - xây dựng cần tăng nhanh tỷ trọng ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần tạo lập những điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, các ngành công nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao trong bối cảnh các ngành công nghiệp thâm dụng lao động phổ thông đang dần trở nên mất lợi thế. Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp phụ trợ đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Trong nội bộ nhóm ngành dịch vụ thì phải tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ cao cấp, giảm tỷ trọng các ngành dịch vụ cấp thấp trong GDP...

Thứ hai, về cơ cấu lao động thì phải tăng nhanh lao động trong các ngành phi nông nghiệp, giảm nhanh lao động trong các ngành nông nghiệp về số lượng và tỷ trọng. Tăng nhanh tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, giảm tương ứng tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo trong tổng lao động xã hội.

Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế ở nước ta trong thời gian tới theo phương hướng trên nhằm góp phần đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28 - 30%. Đến năm 2030, mục tiêu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, trong đó tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Đề xuất giải pháp

Link nội dung: https://iir.edu.vn/chuyen-dich-co-cau-nganh-kinh-te-trong-qua-trinh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-o-viet-nam-tap-chi-tai-chinh-a14252.html