Cháo lươn Nghệ An là món ăn rất giản dị, chân phương bởi được sử dụng nguyên liệu hết sức gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống. Với sự cầu kỳ trong cách chế biến, nêm nếm hương vị đậm đà, cháo lươn Nghệ An đã trở thành món ăn không thể thiếu đối với người dân nơi đây.
Loại nguyên liệu không thể thiếu để làm nên món ăn trứ danh này là lươn đồng. Ở Nghệ An, lươn đồng mình thon, thịt chắc, hai vành vàng bụng đen hơn hẳn so với lươn vùng miền khác.
Để làm được một bát cháo lươn Nghệ An có lẽ phải trải qua nhiều giai đoạn chế biến cũng như chọn lựa nguyên liệu tỉ mỉ. Có lẽ điều này thể hiện được tính cách cần cù, chịu thương, chịu khó của con người nơi đây.
Lươn nấu cháo phải là lươn đồng tươi, gạo nấu là gạo tẻ, hạt nào hạt nấy tròn mẩy. Cháo phải ninh thật kỹ, hạt gạo nở bung mà không nát. Cháo sánh đều, không đặc quá, và cũng không loãng quá, hòa cùng vị thơm của thịt lươn.
Khi ăn người ta múc cháo ra bát, thêm chút thịt lươn, nước sốt vàng sánh mịn, cùng với đó là một chút hành lá, rau răm và tiêu đen.
Mời bạn tham khảo cách nấu món cháo lươn Nghệ An thơm ngon, bổ dưỡng qua công thức dưới đây.
Cách nấu cháo lươn Nghệ An
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
500gr lươn đồng
100gr gạo tẻ
50gr gạo nếp
30gr củ nghệ tươi
15gr củ nén (có thể thay bằng tỏi)
50gr tía tô
50gr rau răm
Hành lá, 2 nhánh gừng
2 lít nước
Gia vị cần có: dầu điều, muối, hạt nêm, đường, dầu ăn, ớt bột(có thể thay bằng ớt tươi)
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
Lươn các bạn rửa sạch với nước. Xóc chút muối và chanh để loại bỏ nhớt bám trên thân lươn. Mổ bụng bỏ hết ruột và phần đầu lươn.
Đem lươn đi luộc với gừng với hành lá khử mùi tanh rồi để nguội.
Sau khi lươn đã nguội, bạn lọc hết phần thịt lươn. Xương lươn để lại dùng để nấu cháo. Bạn chỉ nên để lại phần xương dài của lươn. Những mảnh xương nhỏ nên bỏ để tránh hóc trong quá trình ăn.
Bước 3: Nấu cháo
Gạo rửa qua với nước để loại bỏ bụi bám trên gạo. Sau đó đem rang qua gạo cho hơi vàng. Khi nấu sẽ ra màu cháo đẹp hơn.
Trút phần nước đã ninh xương lươn vào gạo đã rang. Cho lửa vừa để gạo được nở bung. Vớt hết phần bọt trên mặt nồi. Khuấy đều tay để hạt gạo va vào thành nồi giúp nồi cháo được sánh và mịn hơn.
Tiếp tục ninh cháo với lửa nhỏ để cháo được sánh nhất. Nêm vào nồi cháo ít muối, hạt nêm, bột ngọt sao cho cháo có vị mặn nhẹ, vừa ăn.
Bước 4: Xào thịt lươn
Bạn rửa sạch nghệ, sau đó cạo vỏ, giã lấy nước cốt. Bạn có thể sử dụng bột nghệ để thay thế. Tuy nhiên nghệ tự nhiên màu lươn sau khi xào sẽ đẹp hơn, vị cũng thơm và lươn cũng ngọt hơn.
Hành tím bóc bóc vỏ, rửa sạch đập dập hoặc cắt lát. Nhặt rau răm, hành lá thái nhỏ để sau cùng ăn kèm với cháo.
Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn. Phi thơm hành tím, cho lươn vào xào đảo đều tay. Thêm nước cốt nghệ đã chuẩn bị, thêm ít muối, bột ngọt, ớt bột. Đảo đều thêm 5p nữa cho thịt lươn ngấm đều gia vị rồi tắt bếp. Không nên xào lươn với lửa quá lớn như vậy lươn sẽ khô và không ngấm được gia vị nêm vào.
Trong khi đó, bạn có thể pha nước chấm để cho vào cháo lươn tăng thêm mùi vị. Rất đơn giản chỉ cần 3 thìa nước mắm ít ớt thêm vào là ta đã có một bát chấm lươn.
Bước 5: Thưởng thức món ăn
Khi cháo đã chín, ta có thể ngửi được mùi thơm và nhìn thấy độ sánh mịn của cháo thì múc cháo ra tô.
Thêm phần thịt lươn đã xào cùng với đó là rưới lên bát cháo nước mắm đã pha. Ăn cùng với tiêu rau răm và hành lá sẽ giúp cháo tăng thêm hương thơm và mùi vị. Người Nghệ An khi ăn cháo lươn thường sẽ ăn cùng với bánh mì hoặc bánh đa.
Vị thơm, sánh mịn của cháo, vị dai dai, béo ngậy của lươn. Hòa quyện cùng một chút rau thơm đã tạo nên một hương vị không thể lẫn vào được.
Link nội dung: https://iir.edu.vn/bi-quyet-lam-mon-chao-luon-nghe-an-khong-phai-ai-cung-biet-a12778.html