Móng tay là bộ phận nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng trên cơ thể. Với cấu trúc cứng, móng tay bảo vệ đầu ngón tay - nơi chứa nhiều dây thần kinh nhạy cảm và hỗ trợ hoạt động cầm nắm. Ngoài ra, từ màu sắc, hình dạng đến tốc độ phát triển của móng có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe. Bài viết này, thạc sĩ bác sĩ Lê Minh Châu, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đưa ra thông tin tổng quan về móng tay.
Móng tay là gì?
Móng tay là tấm tạo bởi các tế bào cứng nhô ra từ đầu ngón tay. Độ cứng của móng tay được tạo nên bởi 1 loại protein gọi là keratin. Loại này giúp hình thành tóc và lớp ngoài cùng của da. Móng tay có thể biểu hiện về tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, lối sống và thói quen của một người.
Một số tình trạng thay đổi móng có thể dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe người bệnh, gồm: (1)
- Móng đổi màu hoặc xuất hiện vệt đen, trắng.
- Thay đổi hình dạng móng như cong hoăc vểnh lên.
- Thay đổi độ dày của móng.
- Móng tay giòn hơn.
- Móng tay rỗ.
- Chảy máu quanh móng tay.
- Đau móng tay.
- Móng tay tách khỏi da.
Vị trí móng tay nằm ở đâu?
Móng tay là phần cứng nằm ở đầu các ngón tay của cơ thể người, giúp bảo vệ đầu ngón tay và hỗ trợ hoạt động như cầm, nắm. Mỗi ngón tay đều có một móng, được tạo thành từ keratin - loại protein cứng. Móng tay phát triển từ gốc móng - nằm ẩn dưới lớp da.
Cấu tạo móng tay ở người
Móng tay được cấu tạo bởi các bộ phận, bao gồm:
- Bản móng: phần cứng của móng nhìn thấy được.
- Giường móng: mô bên dưới bản móng chứa mạch máu nhỏ.
- Lớp biểu bì (cuticle): lớp da trong suốt chồng lên nhau và tạo thành đường viền ở chân móng.
- Các nếp gấp của móng: lớp da nâng đỡ và tạo khung cho móng ở 3 mặt. Các nếp gấp này dễ sưng nếu bị kích thích và nhiễm trùng do chấn thương, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập.
- Hyponychium: lớp da thô, màu hồng ở phần đầu bên dưới móng.
- Paronychium: lớp da ở 2 bên móng tay, định hình phần bên của ngón tay.
- Lunula: phần có hình bán nguyệt màu trắng ở chân móng tay.
- Dây thần kinh, mạch máu và bạch huyết.
Chức năng của móng tay
Móng tay có chức năng:
- Bảo vệ: móng sẽ bảo vệ đầu ngón tay - nơi có nhiều dây thần kinh nhạy cảm.
- Công cụ hỗ trợ: móng giúp thao tác các hoạt động như cầm, nắm, nhặt, cào và bóc.
Các bệnh lý thường gặp ở móng tay người
Một số bệnh thường gặp ở móng tay người, bao gồm:
- Nấm móng.
- Móng tay giòn, dễ gãy.
- Móng tay màu trắng.
- Móng tay màu vàng.
- Móng tay có đốm đen.
- Móng tay có đốm trắng.
- Móng tay rạn nứt, đứt tách.
- Móng tay gập ghềnh.
- Móng tay hình thìa.
Một số vấn đề cần lưu ý
1. Quá trình mọc móng tay
Tốc độ phát triển tiêu chuẩn của móng tay trung bình là 1/10mm ngày. Móng tay trên bàn tay tăng trưởng trung bình 3,47mm/tháng, tức là khoảng 0,116 mm/ngày. Nếu mất một chiếc móng, cơ thể phải mất 4-6 tháng mới có thể tái tạo hoàn toàn từ gốc đến ngọn.
Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng này, khiến móng có thể mọc nhanh hoặc chậm hơn mức trung bình, bao gồm:
- Tuổi tác: Sự phát triển của móng tay sẽ chậm lại đáng kể theo tuổi tác và hình dáng cũng có thể thay đổi. Bởi việc giảm sự tăng sinh và trao đổi chất.
- Lực tác dụng: Sự gia tăng lực tác dụng lên giường móng cũng có thể làm thay đổi tốc độ phát triển của móng. Vì chấn thương có thể làm thay đổi lưu lượng máu đến vùng bị tổn thương dẫn đến rối loạn trong việc hình thành móng.
- Nhiễm trùng: móng nhiễm nấm phát triển chậm hơn bình thường, đặc biệt khi nhiễm trùng nặng. Tuy nhiên, cơ chế này chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng tổn thương ở nền móng và nền móng có thể góp phần làm chậm lại quá trình này. Hơn nữa, một số bệnh nhiễm trùng cấp tính như viêm phổi hoặc quai bị cũng khiến móng phát triển yếu đi.
- Bệnh mãn tính: một số bệnh hệ thống cũng ảnh hưởng đến sự phát triển, hình dạng và diện mạo tổng thể của móng. Một số bệnh khiến móng tay mọc nhanh bất thường (bệnh vẩy nến, tăng sừng biểu bì, cường giáp, cường tuyến yên, bệnh vảy phấn rubra pilaris, v.v.). Mặt khác, một số bệnh khiến móng tay có biểu hiện mọc chậm bất thường (bệnh thần kinh ngoại biên, suy giáp, lichen planus, viêm đa sụn tái phát, v.v.). Tương tự, các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc các vấn đề về tuần hoàn khác, có thể làm chậm quá trình lưu thông máu ở móng, khiến móng chậm phát triển.
- Suy dinh dưỡng: dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của móng tay. Bởi, móng tay cũng cần được cung cấp liên tục và bình thường các axit amin, khoáng chất và vitamin để phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (sắt, silicon, kẽm, vitamin B,…) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của móng.
- Mức độ hormone: phụ nữ mang thai cũng trải qua quá trình phát triển móng tay nhanh chóng và giảm dần trong thời gian cho con bú. Bởi, sự tăng lưu lượng máu ngoại vi do estrogen gây ra có thể kích thích móng mọc nhanh hơn. Tuổi dậy thì cũng thuộc giai đoạn có sự biến động nội tiết tố khiến móng dài nhanh hơn.
- Giới tính: móng tay của nam giới phát triển tương đối nhanh so với phụ nữ.
- Phương pháp điều trị y tế: một số loại thuốc hoặc phương pháp điều trị chống ung thư như hóa trị có thể dẫn đến giảm tốc độ phát triển của móng hoặc thậm chí rụng do tác dụng chống phân bào.
2. Dấu hiệu bất thường của móng
2.1 Móng tay màu vàng
Móng tay màu vàng là tình trạng móng dày hơn, chuyển sang màu vàng hoặc vàng lục với cạnh hơi đậm màu hơn và không mọc nhanh như bình thường. Chứng rối loạn sắc tố này rất hiếm gặp ở móng tay và có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều móng. Móng tay màu vàng cảnh báo tình trạng sức khỏe cơ thể nghiêm trọng, gồm: (2)
- Khối u ác tính trong cơ thể.
- Phù hạch bạch huyết, sưng tay.
- Tràn dịch màng phổi.
- Bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mạn tính, viêm xoang.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Suy giảm hệ miễn dịch.
2.2 Móng tay màu trắng
Móng tay màu trắng là tình trạng móng mất đi màu hồng và đổi thành màu trắng một phần, toàn bộ tấm móng hoặc nhiều móng khác. Chứng rối loạn sắc tố móng này rất phổ biến. Người có móng tay màu trắng có thể do chấn thương, nấm móng, ngộ độc kim loại nặng, thuốc đặc trị hoặc dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:
- Bệnh xơ gan.
- Bệnh thận mạn tính.
- Suy tim.
- Hạ albumin máu.
- Bệnh đường ruột mất protein.
- Bệnh đái tháo đường.
- Thiếu sắt hoặc kẽm.
- Bệnh cường giáp.
- Bệnh vảy nến.
- Bệnh bạch biến móng tay.
2.3 Móng tay màu xanh
Móng tay xanh là tình trạng cơ thể thiếu hụt oxy trong máu. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, gồm:
- Bệnh về tim như dị tật tim bẩm sinh, suy tim hoặc tắc nghẽn mạch máu gây giảm lượng máu giàu oxy đến các mô và cả móng tay.
- Vấn đề hô hấp như hen suyễn, viêm phổi hoặc tắc nghẽn đường hô hấp làm giảm lượng oxy trong máu.
- Nhiễm lạnh hoặc bệnh Raynaud: khi móng tay tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc bệnh Raynaud có thể làm co thắt mạch máu ở tay, gây ra màu xanh tạm thời ở móng.
Khi người bệnh có triệu chứng như khó thở, đau ngực, chóng mặt đi kèm móng tay xanh hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
2.4 Móng tay có nhiều đốm hoặc đường đen
Móng tay có nhiều đốm hoặc đường đen là tình trạng phiến móng đổi màu đen do sự thay đổi màu sắc. Đôi khi, tình trạng này do một số nguyên nhân khác như:
- Chấn thương.
- Thuốc như thuốc hóaa trị, thuốc kháng virus trong điều trị HIV/AIDS, thuốc sốt rét, thuốc sinh học, thuốc chống co giật, thuốc điều trị bệnh phong, thuốc chống nấm, thuốc điều trị ung thư vú,…
- U hắc tố (dạng ung thư hiếm gặp).
- Viêm nội tâm mạc.
- Nhiễm trùng nấm.
- Bệnh vảy nến móng tay.
2.5 Móng tay có những đốm trắng
Móng tay có những đốm trắng thường do chấn thương. Đôi khi, những đốm trắng này xuất hiện khi cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, thuốc uống tác động hoặc dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe kém như: bệnh truyền nhiễm, rối loạn chuyển hóa.
2.6 Móng tay rạn nứt, đứt tách
Móng tay nứt, tách là sự xuất hiện vết nứt dọc hoặc ngang trên nền hoặc dọc theo đầu móng gây đau và khó chịu. Tình trạng này có thể đi kèm theo móng tay mỏng, giòn hoặc mềm. Móng tay nứt, tách thường do chấn thương, nhiễm trùng móng hoặc tiếp xúc nhiều với độ ẩm, hóa chất mạnh.
Đôi khi, móng tay nứt, tách cũng cảnh báo tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như:
- Nấm móng.
- Thiếu hụt vitamin như biotin hoặc khoáng chất (sắt, canxi,…).
- Rối loạn tuyến giáp (suy giáp).
- Thiếu máu.
- Bệnh về da như bệnh vẩy nến.
2.7 Móng tay gập ghềnh
Móng tay gập ghềnh là tình trạng xuất hiện đường gồ hoặc vết lõm chạy theo chiều dọc hoặc ngang có thể nhìn thấy được trên móng tay. Người có móng tay gập ghềnh có thể đang thiếu dinh dưỡng hoặc gặp một số vấn đề sức khỏe như:
- Chấn thương móng tay như: va đập, chất hóa học của sơn móng tay,…
- Bệnh tuyến giáp.
- Bệnh mạch máu ngoại biên.
- Bệnh gây sốt cao như Covid-19, sởi hoặc viêm phổi.
2.8 Móng tay hình thìa
Móng tay hình thìa là tình trạng móng xuất hiện đường gờ nổi lên và nhô ra ngoài có hình dạng giống cái thìa. Đôi khi, độ nhô của móng có thể giữ được 1 giọt nước. Móng tay hình thìa có thể cảnh báo cơ thể:
- Thiếu máu do thiếu sắt.
- Bệnh tim.
- Bệnh nhiễm sắc tố sắt.
- Lupus ban đỏ.
- Suy giáp.
- Bệnh Raynaud.
2.9 Móng tay giòn, dễ gãy
Móng tay giòn, dễ gãy là tình trạng móng mỏng, dễ tách, uốn cong, gãy, nứt, sứt, rách hoặc bong tróc. Tình trạng này có thể do nhiều yếu tố khác nhau, gồm thiếu hụt dinh dưỡng (đặc biệt sắt và kẽm), tiếp xúc quá nhiều với nước hoặc chất tẩy rửa hoặc các bệnh nghiêm trọng như:
- Rối loạn tuyến giáp (suy giáp, cường giáp).
- Bệnh vẩy nến.
- Hội chứng Raynaud.
- Nhiễm trùng nấm.
Đây là dấu hiệu móng tay bất thường và không phải lúc nào cũng cảnh báo bệnh. Vì vậy, người bệnh nhận thấy móng tay có dấu hiệu bất thường hãy đến gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác và lên phương pháp điều trị phù hợp nếu cần.
Hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ móng tay khỏe mạnh
Cách chăm sóc, bảo vệ móng tay khỏe mạnh như sau:
- Giữ móng tay sạch nhằm giảm tình trạng nhiễm trùng.
- Nếu tẩy sơn móng tay hãy sử dụng chất không chứa acetone.
- Không sử dụng dụng cụ kim loại chà xát hoặc cạy, nạy dưới móng tay.
- Cắt ngắn móng tay, giảm tình trạng gãy móng.
- Giữ chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung vào thực đơn các món chứa protein, biotin, chất chống oxy hóa như vitamin C.
- Không hút thuốc, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích.
- Dùng găng tay cao su khi rửa chén, dọn vệ sinh,…
- Không cắn móng tay.
- Không bóc móng hoặc lớp gel sơn.
- Hạn chế sử dụng móng tay để xé, nhấc, cào vật cứng.
- Hạn chế sơn móng tay.
Chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp cho việc tư vấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp với từng người bệnh. Hơn nữa chuyên khoa còn có fanpage “Thẩm mỹ da - Bệnh viện Tâm Anh” và nhóm “Hỏi đáp bác sĩ da liễu” giúp người bệnh có thể hỏi đáp, chia sẻ những khó khăn, lo lắng với những người bệnh cùng hoàn cảnh và cả bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM liên tục bổ sung các phương pháp làm đẹp hiện đại trên thế giới như tiêm HA, tiêm botox, tiêm filler, điều trị rụng tóc, điều trị nám, tàn nhang,… và trang bị đủ thiết bị, máy móc tân tiến như điện di Apollo Duet +EL, máy phân tích da A-one Simple, vi kim RF, IPL, HIFU, Fotona 4D, Laser Pico, Laser CO2 Fractional, Sofwave,… từ nhiều nước như Hàn, Anh, Mỹ… để hỗ trợ liệu trình điều trị da tốt, nhanh và an toàn.
Tình trạng của móng tay có thể là dấu hiệu quan trọng cảnh báo về sức khỏe. Bài viết này giúp khách hàng hiểu hơn về cấu trúc, chức năng và dấu hiệu bất thường của móng tay nhằm phòng tránh và phát hiện sớm những bệnh tiềm ẩn. Đồng thời, khách hàng chú ý và chăm sóc móng tay đúng cách hơn nhằm duy trì được sức khỏe móng và đảm bảo tính thẩm mỹ.