Mô mỡ cũng là một thành phần cấu trúc của cơ thể. Mọi người thường biết đến các tác hại của mỡ trong cơ thể nhưng ít khi tìm hiểu lợi ích của nó. Vậy, mô mỡ đóng vai trò gì trong cơ thể?
Bài viết được tư vấn bởi Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Mô mỡ là gì?
Mô mỡ (Adipose tissue) là mô liên kết, trải dài khắp cơ thể, với thành phần chủ yếu là các tế bào mỡ. Mô mỡ thường xuất hiện phổ biến dưới da (mỡ dưới da), trong các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng) hoặc thậm chí tồn tại bên trong các khoang xương (mỡ tủy xương).
Loại mô này đóng vai trò như một lớp cách nhiệt giúp giữ ấm và ngăn cản nguy cơ mất nhiệt quá nhanh của cơ thể (1). Ngoài đóng vai trò như một lớp đệm cách nhiệt, loại mô này còn giúp cơ thể dự trữ năng lượng dưới dạng lipid. Mô mỡ còn có khả năng kích thích và tạo ra một số loại nội tiết tố như resistin, estrogen, leptin và TNFα cytokine. Tuy nhiên, tích tụ quá nhiều mô mỡ có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe như thừa cân, béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch, bệnh hô hấp… (2)
Cấu tạo mô mỡ
Cấu trúc của mô mỡ bao gồm màng mỡ, tế bào mỡ và các thành phần khác, cụ thể như sau:
- Tế bào mỡ: Tế bào mỡ là thành phần chính cấu thành nên mô mỡ, chúng có dạng hình bầu dục hoặc hình tròn. Các tế bào này thường không có nhân, chứa nhiều chất béo tồn tại ở dạng hạt mỡ.
- Màng mỡ: Màng mỡ bao quanh tế bào mỡ và có nhiệm vụ bảo vệ các tế bào này. Đây là một lớp màng mỏng chứa các loại lipid khác nhau như lipid chức năng và lipid cấu trúc. Màng mỡ cũng chứa hormone và các protein.
- Thành phần khác: Mỡ còn chứa thành phần có trong mạch máu mô đệm (SVF) bao gồm nguyên bào sợi, tế bào nội mô mạch máu, preadipocytes và đại thực bào mô mỡ (tế bào miễn dịch).
Chức năng của mô mỡ
Trong cơ thể, mỡ mang nhiều chức năng quan trọng như: (3)
- Lưu trữ và giải phóng năng lượng.
- Lớp cách nhiệt bảo vệ cơ thể.
- Đóng vai trò như “đệm đỡ” giúp hạn chế sự va đập lên các cơ quan mềm bên trong cơ thể.
- Điều chỉnh cảm giác đói. Tế bào mỡ sản xuất ra “hormone no” leptin có nhiệm vụ làm giảm cảm giác đói. Hormone này có vai trò liên hệ với vùng não dưới đồi (vùng não có liên quan đến cảm giác thèm ăn).
- Hỗ trợ cân bằng năng lượng.
- Điều hòa lượng cholesterol và glucose.
- Duy trì độ nhạy của insulin.
- Góp phần củng cố sức khỏe hệ miễn dịch.
- Chuyển hóa hormone sinh dục.
Các loại mô mỡ
Dựa vào nguồn gốc và chức năng, mô mỡ được phân loại như sau: (4)
1. Mỡ nâu
Mỡ nâu là những tế bào chứa nhiều giọt lipid và bào quan của tế bào, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và giảm dần trong quá trình trưởng thành. Hàm lượng sắt trong các bào quan mang lại màu nâu cho những tế bào mỡ. Các bào quan giúp cho tế bào mỡ nâu tạo ra lượng nhiệt lớn. Càng nhiều mỡ nâu thì khả năng giữ ấm của cơ thể càng được nâng cao.
Mỡ nâu gần với cấu trúc của khối cơ và có khả năng đốt cháy mỡ trắng khi được kích hoạt. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, người gầy có hàm lượng mỡ nâu cao hơn người thừa cân và lượng mỡ này được sử dụng để đốt cháy năng lượng trong cơ thể. Tăng hàm lượng và kích thích tế bào mỡ nâu hoạt động là một trong những cách hỗ trợ cải thiện tình trạng thừa cân tiềm năng cần được nghiên cứu thêm.
2. Mỡ trắng
Mỡ trắng là loại mỡ chiếm đa số trong cơ thể ở dạng mỡ dưới da, mỡ tủy xương và mỡ nội tạng. Tế bào mỡ trắng có cấu trúc đơn giản bao gồm một giọt lipid (phân tử chất béo) và một số ít bào quan tế bào. Mỡ trắng có khả năng lưu trữ năng lượng, cách nhiệt giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiệt độ khắc nghiệt và sản xuất hormone. Hormone adiponectin được mỡ trắng sản xuất có tác dụng giúp cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Từ đó, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.
3. Mỡ be
Mỡ be là các tế bào màu nhạt, thường được tìm thấy rải rác giữa các túi tế bào mỡ trắng và mỡ nâu. Mô mỡ be có khả năng tạo ra nhiệt trong một số điều kiện nhất định. Tế bào mỡ be thể hiện các đặc điểm của mỡ nâu và cả mỡ trắng. Tuy nhiên, mỡ be có xu hướng đốt cháy năng lượng tương tự như mỡ nâu hơn là lưu trữ năng lượng như mỡ trắng.
Vị trí mô mỡ thường được tìm thấy ở đâu?
Trong cơ thể, mô mỡ thường được tìm thấy dưới da, xung quanh cơ quan nội tạng, hệ thống cơ bắp, mô vú và tủy xương, cụ thể như sau:
1. Mỡ dưới da
Đây là lượng mỡ được tìm thấy ở giữa lớp da và cơ bắp. Mỡ dưới da bao gồm mỡ nâu và mỡ trắng, chiếm đến khoảng 90% lượng mỡ có trong cơ thể. Chúng thường tập trung xuất hiện ở các vùng như cánh tay, đùi, mông, bụng. Mỡ dưới da mang lại một số lợi ích tiềm năng như điều chỉnh thân nhiệt, dự trữ năng lượng, bảo vệ cơ bắp và xương khỏi sự tổn thương do va đập. Nếu lượng mỡ dưới da quá nhiều (đặc biệt là mỡ bụng) có thể dẫn đến thừa cân, béo phì; từ đó, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch…
2. Mỡ nội tạng
Mỡ nội tạng là mô mỡ bao quanh các cơ quan như dạ dày, ruột, gan… Mỡ nội tạng nằm dưới các cơ thành bụng, tích trữ dưới lớp biểu bì và mỡ trong cơ, chúng được phân bổ giữa các sợi cơ. So với các loại mỡ khác, mỡ nội tạng được xem là tác nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin dẫn đến tăng nguy cơ bị tiểu đường. Sự xuất hiện của loại mỡ này cũng góp phần gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, mỡ nội tạng và chứng mất trí nhớ có mối liên quan với nhau. Cụ thể, những người có nhiều loại mỡ này có thể dễ bị mất trí nhớ hơn người khác.
3. Mỡ bụng
Mỡ bụng có thể bao gồm cả mỡ dưới da và mỡ nội tạng. Nếu như mỡ dưới da chỉ ảnh hưởng chủ yếu về tính thẩm mỹ thì mỡ nội tạng có thể gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm. Đến bệnh viện thăm khám và thực hiện các kỹ thuật xét nghiệm là cách giúp xác định được chính xác mỡ bụng là loại mỡ dưới da hay mỡ nội tạng.
4. Mỡ đùi
Mỡ đùi có thể bao gồm mỡ dưới da và mỡ trong cơ (tế bào mỡ phân tán trong cơ bắp). Mỡ đùi thường tích tụ nhiều ở những người có dáng người “quả lê”. Mặc dù không có nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thế nhưng việc tích tụ loại mỡ này có thể gây mất thẩm mỹ.
Mô mỡ hình thành như thế nào?
Khi tổng năng lượng nạp vào lớn hơn nhu cầu mà cơ thể cần, toàn bộ năng lượng dư thừa được lưu trữ trong các tế bào mỡ và hình thành mỡ trong cơ thể. Theo các nghiên cứu khoa học, sự hình thành mỡ có thể được kiểm soát một phần bởi gen adipose. Sự mở rộng quá mức của mỡ thường kèm theo các rối loạn chức năng mô mỡ, từ đó gây ra sự rối loạn chuyển hóa và nội tiết trong cơ thể.
Các bệnh thường gặp về mô mỡ
Dưới đây là các bệnh lý thường gặp về mỡ cơ thể:
1. U mỡ
U mỡ là sự tăng sinh mô mỡ tích tụ ở dưới da (giữa da và cơ), có thể xảy ra ở mọi đối tượng, phổ biến hơn ở người trong độ tuổi trung niên (từ 40 - 60 tuổi). Các khối u mỡ xuất hiện phổ biến ở cổ, vai, lưng, cánh tay… Chúng có tốc độ phát triển chậm, sờ vào có cảm giác cộm và dịch chuyển khi ấn nhẹ. U mỡ thường lành tính, có thể không cần can thiệp điều trị. Nếu khối u gây đau, khó chịu, ngứa hoặc phát triển kích thước gây hạn chế vận động và mất thẩm mỹ cần được can thiệp điều trị để loại bỏ càng sớm càng tốt.
2. Viêm mô mỡ dưới da
Đây là tình trạng mỡ ở giữa da và cơ bị viêm xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là các khối nhỏ dưới da, phân bổ ở tay, chân, bụng, thậm chí là trên mặt. Vùng da xuất hiện mô mỡ bị viêm có thể sưng đỏ, đau nhói và nóng rát. Hiện nay, vẫn chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh lý này. Mục tiêu điều trị chính là tập trung cải thiện tình trạng viêm và làm giảm ảnh hưởng của bệnh. Khi nghi ngờ bản thân xuất hiện tình trạng viêm mỡ dưới da, người bệnh nên sớm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
3. Béo phì
Béo phì là bệnh lý xảy ra khi cơ thể tích tụ quá nhiều năng lượng dư thừa. Năng lượng dư thừa này được lưu trữ dưới dạng mô mỡ trong cơ thể. Hiện nay, bệnh béo phì ngày càng phổ biến, xảy ra do các nguyên nhân như chế độ ăn uống kém khoa học, lười vận động, di truyền, rối loạn nội tiết… Bệnh béo phì nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như suy giảm trí nhớ, bệnh về xương khớp, bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh về tiêu hóa…
Tế bào gốc từ mô mỡ
Tế bào gốc từ mỡ là tế bào gốc trung mô đóng vai trò quan trọng trong y học tái tạo nhờ sở hữu khả năng biệt hóa và tái tạo nên các tế bào mới như tế bào thần kinh, da, sụn, xương, cơ tim… Tế bào gốc chiếm khoảng từ 1 - 5% trên tổng số tế bào có nhân của mô mỡ, cao hơn gấp nhiều lần so với tỉ lệ tế bào gốc từ tủy xương. Trên thực tế, chỉ với lượng khoảng 5 gam mỡ, có thể phân lập và tăng sinh lên đến hàng tỷ tế bào gốc.
Nhờ vào đặc điểm dễ thu thập và không phụ thuộc vào độ tuổi nên việc lưu trữ tế bào gốc từ mỡ có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào khi có nhu cầu. Tuy nhiên, vì là tế bào gốc trưởng thành nên tiềm năng và tính chất của loại tế bào này giảm dần theo quá trình lão hóa của cơ thể. Để tối ưu hiệu quả sử dụng, việc lưu trữ tế bào gốc nên được thực hiện càng sớm càng tốt, ví dụ lưu trữ tế bào gốc từ máu và mô dây rốn của trẻ sơ sinh.
Để đảm bảo việc thu thập và lưu trữ tế bào gốc đạt chất lượng tối ưu, mỗi người nên ưu tiên chọn cơ sở y tế uy tín được Bộ Y tế cấp phép hoạt động. Hiện nay, Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong số ít cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế cấp phép hoạt động với phạm vi chuyên môn toàn diện, bao gồm các kỹ thuật như thu thập, tiếp nhận, xử lý, bảo quản, lưu trữ, ứng dụng điều trị bệnh, nuôi cấy và cung ứng nguồn tế bào gốc cho các viện nghiên cứu…
Toàn bộ quá trình lưu trữ tế bào gốc tại Trung tâm Tế bào gốc và Ngân hàng mô ở Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đạt tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ kỹ thuật tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại. Dịch vụ thu thập và lưu trữ tế bào gốc tại đây được thực hiện với quy trình khép kín, giúp rút ngắn thời gian, phần nào giảm bớt gánh nặng về chi phí cho khách hàng.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Mô mỡ có vai trò thiết yếu trong cơ thể, tuy nhiên nếu mỡ tích trữ dư thừa có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Hiểu rõ cấu tạo, chức năng và sự hình thành của từng loại mô mỡ góp phần giúp bạn kiểm soát tốt sức khỏe tổng thể, tránh gặp các bệnh liên quan đến sự tích trữ quá mức mỡ cơ thể.