“Nơi này, Bác đã đi qua”
“Nơi này, nơi này Bác đã đi qua
Những năm đất nước đắm chìm đau thương
Bác ơi! Trường Dục Thanh, thầy giáo Thành,
mãi in trong lòng, dân nghèo nơi Phan Thiết xưa…”
Bồi hồi, xúc động và niềm tự hào dâng trào trong trái tim của nhiều người mỗi khi được nghe ca khúc “Nơi này Bác đã đi qua” của nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh (phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết). Gặp nhạc sĩ, trong một buổi chiều tháng 5, để được nghe ông chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc trên.
Nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh kể, cuối năm 1985, ông được mời ra Hà Nội dự Hội nghị những người viết Văn trẻ lần thứ 3. Trong chương trình làm việc của hội nghị có chương trình vào lăng viếng Bác. Đây là chuyến đi xa nhất, cũng là chuyến đến Tthủ đô Hà Nội lần đầu tiên đối với ông. “Khi vào lăng viếng Bác, tôi đã suy nghĩ cần phải viết một cái gì đó về Bác dưới góc độ của mình. Và khi trở về miền Nam, suy nghĩ đó cứ lập đi lập lại rất nhiều lần, đặc biệt qua những lần tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật của tỉnh trong Khu Di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Cuối năm 1989, đầu năm 1990, tôi bắt tay vào hình thành giai điệu bài hát “Nơi này Bác đã đi qua”, nhạc sĩ Quang Vinh nói.
Nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh chia sẻ, trong hành trình Bác Hồ đi tìm đường cứu nước, thì khoảng thời gian Bác dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh (Phan Thiết) không dài. Nhưng tình cảm của nhân dân Phan Thiết nói riêng, Bình Thuận nói chung dành cho Bác rất sâu đậm và đây cũng chính là niềm tự hào của nhân dân tỉnh nhà.
“Viết về Bác, đối với một người hậu sinh như tôi rất là khó. Khó không phải vì Bác không tạo được nguồn cảm xúc mà có thể nói Bác là một trong những ngọn nguồn cảm xúc hết sức tuyệt vời, hết sức phong phú và có cảm giác không bao giờ vơi cạn đối với tất cả các loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Nhưng trước tôi, có rất nhiều người viết về Bác và hầu như tác phẩm nào viết về Bác, ca khúc nào viết về Bác ở góc độ nào cũng đều hay, cũng đều có sức sống mãnh liệt. Chính vì vậy, là thế hệ hậu sinh, thì cảm xúc của mình đối với Bác như thế nào, cảm xúc trong suy nghĩ sáng tạo như thế nào thì mình sẽ thể hiện như thế ấy”, nhạc sĩ cho hay.
Và với chất liệu âm nhạc là dân ca Chăm, giai điệu Chăm miền Trung, khi cất tiếng hát, cảm xúc suy nghĩ, hòa quyện lại, tạo cho người nghe, người cảm thụ một cảm xúc rất là gần gũi. “Từ làng Sen, nơi xứ Nghệ dấu chân của Người in đậm lên bao xóm thôn đang khổ đau, đang lầm than…”.
Đây là đoạn mà theo nhạc sĩ Quang Vinh, nó tạo được cảm xúc cũng như chạm vào trái tim của người nghe, người thưởng thức.
Có thể nói, nội dung của bài hát “Nơi này Bác đã đi qua” chuyển tải cả một quá trình trên bước đường đi tìm đường cứu nước của Bác. Hình ảnh của Bác, vóc dáng của Bác và giọng nói của Bác, lời giảng của Bác tại mái Trường Dục Thanh như là còn vang vọng đâu đó trong khuôn viên của nhà trường.
Là niềm tin vững bền
Khoảng đầu tháng 9/1910, trên đường từ Quy Nhơn vào Sài Gòn tìm cách đi sang Pháp và các nước phương Tây, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân ở Phan Thiết. Người xin dạy học tại Trường Dục Thanh đến tháng 2/1911. Trong thời gian dạy học ở nơi này, thầy được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành nhiệt tình truyền dạy cho học sinh về tình yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên và những suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Đây cũng là thời điểm Người tìm hiểu kỹ tình hình và điều kiện chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Sài Gòn, vượt đại dương bôn ba tìm đường cứu nước.
Những ngày này, cả nước đang hướng về kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mảnh đất và người dân Bình Thuận càng thêm tự hào khi nơi đây đã từng lưu dấu chân Người. Rất đông người dân, du khách và các đoàn đến với Di tích Dục Thanh để dâng hương, tham quan, đồng thời tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đã có không biết bao người lặng lòng trước những hiện vật lưu dấu tích của Người. Ðó là phòng học với 3 dãy bàn ghế, 2 tấm bảng đen mà Bác từng đứng lớp. Là nhà Ngư, nơi nội trú của thầy giáo và học trò ở xa đến dạy và học, trong đó có Bác. Và là bộ ván gõ 3 tấm, nơi Bác ngủ hàng đêm... 6 tháng Bác lưu lại nơi đây để dạy học, thời gian không dài nhưng trong lòng người dân Bình Thuận, Trường Dục Thanh - nơi có Bác vẫn luôn là điểm tựa, là niềm tin, là ánh đuốc soi đường trong hành trình xây dựng quê hương.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận, mỗi năm Khu Di tích Dục Thanh đón rất nhiều trường học, các cơ quan, đơn vị tổ chức dâng hương, báo công dâng lên Bác, nhất là vào các ngày lễ lớn của dân tộc. Từ đầu năm đến nay, có 923 đoàn với 63.757/125.000 lượt khách đến viếng, tham quan. Và có lẽ điều đáng mừng nhất chính là có rất nhiều bạn trẻ, đoàn thanh niên tìm đến Khu Di tích này để viếng Bác, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Để từ đó nguyện suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.
Năm 2024, cũng tròn 55 năm mà cả nước cũng như Bình Thuận thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người. Với niềm tin sắt son có Bác, với niềm tự hào là nơi Bác đã dừng chân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận sẽ ngày càng phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, đổi mới trong tư duy, trong sáng tạo, cách làm để từ đó quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, sớm hiện thực hóa khát vọng xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu đẹp, văn minh.