Sức hấp dẫn lâu bền của bài thơ không chỉ bởi nó được viết bằng thái độ “Mục trung sở xúc, năng vô lệ (Không thể không rơi lệ vì những điều trông thấy)” mà còn bởi “Trông người mà ngẫm đến ta”, là lời tự thương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc. Ông vĩ đại trước hết bởi cái tấm lòng yêu thương con người vô hạn, vẹn nguyên. Trong thẳm sâu của tái tê lòng, ông dành một khoảng lặng mênh mông cho những vần thơ khóc thương người phụ nữ. Những điều trông thấy về kiếp sống đa đoan của phận đàn bà đã thực sự làm lay động người nghệ sĩ có “đôi mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ tới ngàn đời” tạo nên những “tiếng thơ lay động đất trời”…
Trong những vần thơ, câu văn quặn thắt, chan chứa tình người, tìm về Độc Tiểu Thanh kí để một lần nữa ta lại khắc khoải một nỗi u hoài trong một miền đau khôn tả. Đắm chìm trong một không gian tâm tưởng - cái không gian ba chiều của tiếng khóc Tố Như để lại càng thấm buốt cái khát vọng tri âm muôn thuở của những trái tim nhân bản.
Chữ Hán:
Phiên âm:
Độc Tiểu Thanh kí
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Dịch thơ:
Đọc Tiểu Thanh kí
Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Vũ Tam Tập dịch
Cảm xúc trước số phận bi kịch của Tiểu Thanh - cô gái tài sắc bạc mệnh ở Trung Quốc sống vào đời Minh - Nguyễn Du viết nên bài thơ này.
Được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, bài thơ có thể phân chia theo kết cấu thường gặp, cũng có thể chia thành hai phần đăng đối. Bốn câu đầu là khóc người, thương người, là lệ dành cho Tiểu Thanh; còn bốn câu sau Nguyễn Du trở về niềm tự thương, là lệ dành cho chính mình. Bài thơ vì thế vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, vừa hướng ngoại, vừa hướng nội, vừa đồng cảm, tri âm, vừa là lời tự giãi bày cái tôi tràn đầy khao khát một niềm tri âm đến khắc khoải.
Là bài thơ trữ tình, Độc Tiểu Thanh kí là sự bộc lộ dòng cảm xúc của chủ thể trữ tình. Dòng cảm xúc ấy được thể hiện một cách rõ nét trong kết cấu của từng cặp câu thơ.
Khóc người, thương người
Bài thơ mở ra trước mắt ta không gian hoang vắng đến trơ trọi: Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang. Tây Hồ ngày xưa là cảnh đẹp, nay là gò hoang. Nguyễn Du dùng từ “tẫn”- “tẫn” là hết sạch, không còn gì. Đó là sự đối lập tuyệt đối, đối lập giữa quá khứ với hiện tại, giữa vẻ đẹp huy hoàng với hoang vu cô quạnh. Hình ảnh gò hoang đặt cạnh cảnh đẹp đem đến cảm giác hoang lạnh, trơ trọi, gợi lên một nghịch cảnh, trớ trêu.
Câu thơ mở đầu gợi lên bao niềm trắc ẩn. “Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh trong một hoàn cảnh có phần giống Kiều đến với Đạm Tiên. Nấm mồ Đạm Tiên sè sè nấm đất bên đường gợi lên ở Kiều bao nỗi thương tâm. Cái gò hoang nơi chôn Tiểu Thanh gợi lên ở Nguyễn Du bao điều thổn thức” (TS Lã Nhâm Thìn). Câu thơ tưởng là miêu tả nhưng thực sự lại là lời than. Đó là tiếng thở dài bi thiết cho nhân sinh với những đổi thay, thịnh suy, dâu bể, là lời than trước cái đẹp bị vùi dập, tàn phá phũ phàng. Từ cái đẹp bị tàn phá, Nguyễn Du đi vào một nhân chứng điển hình:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Nhà thơ tri ngộ, viếng thương Tiểu Thanh qua một tập sách bị đốt dở (“nhất chỉ thư”) mà thôi. “Nhất chỉ thư” ấy vừa là chứng tích của một thời biến thiên, vừa là chứng tích của một đời đau khổ. Từ “độc” đặt đầu câu thơ thứ hai mở ra mênh mang tâm trạng. “Độc” xuất hiện rất nhiều trong Đường thi. “Độc” có nghĩa là đọc (động từ), là một mình, là cô đơn, cô độc (tính từ). Vì thế “độc” trong trường hợp này chỉ dừng lại ở nghĩa một mình là chưa ổn, vì một mình chưa chắc đã cô đơn, cô độc. Ý thơ hàm chứa nhiều ẩn số của cảm xúc, tâm trạng. Hai từ “độc” và “nhất” nằm trong câu bảy tiếng trở thành điểm nhấn. Giữa dòng đời mênh mang, một lòng đau tìm gặp một hồn đau để rồi niềm xúc động lại càng da diết.
Nếu ở hai câu thơ đầu mới chỉ dừng lại ở lời giới thiệu cuộc tri ngộ thì ở hai câu thực Nguyễn Du nói thẳng về đối tượng mà mình muốn nói:
Son phấn có thần chôn vẫn hận,
Văn chương không mệnh đốt còn vương.
Lời thơ bàn về cái oan, cái hận của cuộc đời Tiểu Thanh. Tiểu Thanh - một cô gái đẹp có tài văn chương... Vậy mà nàng phải chết trẻ, văn chương bị đốt dở dang. “Son phấn” và “văn chương” ẩn dụ cho sắc đẹp và tài năng. Tất cả đều bị chôn và đốt. Sự vùi dập, tàn phá đến lạnh lùng và khắc nghiệt. Nguyễn Du trải lòng mà xót xa về những nỗi oan trái trong cuộc đời Tiểu Thanh đồng thời ý thơ còn khẳng định sự vĩnh hằng của cái đẹp, tài năng. Son phấn- chôn- vẫn hận; văn chương- đốt- còn vương. Nỗi oán hận còn vương khắp. Giọt nước mắt khóc thương cho nàng Tiểu Thanh gắn với thái độ trân trọng, ngưỡng mộ cái đẹp và tài năng.
Là người nghệ sỹ chân chính, Nguyễn Du không chỉ đau đáu cõi nhân sinh mà ông còn luôn trăn trở về nỗi đau của những tài năng và về thiên chức của người nghệ sĩ. Nếu xã hội cũ đẩy đưa người phụ nữ sắc đẹp, tài năng thiên bẩm vào ngọn đèn tù mù, nhấn chìm vào bóng đêm thì Tố Như đứng hẳn về phía họ để cảm thông, để ca tụng hân hoan, tán dương và ngưỡng vọng. Đó là nét tiến bộ trong tư tưởng nhân đạo của Nguyễn Du.
Với nhà thơ - cái đẹp bao giờ cũng vĩnh hằng - niềm tin vào cái đẹp là vĩnh cửu. Ngẫm ra cảm hứng trước cái đẹp trở thành quy luật đối với người nghệ sĩ. Nguyễn Trãi cảm khái trước cảnh sông nước ẩn tàng công danh chiến tích của người anh hùng hào kiệt; Bà Huyện Thanh Quan than thở cho một triều đại rực rỡ đã đi qua, và sau này Nguyễn Tuân thể hiện niềm tin mãnh liệt vào cái đẹp qua con chữ của Huấn Cao được Viên quản ngục nâng niu, cất giữ. Đó cũng chính là lời khẳng định của Thanh Thảo về sức sống của tài năng, của cái đẹp khi viết về Lor-ca:
Không ai chôn cát tiếng đàn
Tiếng đàn như cỏ mọc hoang
Giọt nước mắt vầng trăng
Long lanh trong đáy giếng
Đàn ghi ta của Lor-ca
Trông người mà ngẫm đến ta
Trong Tiểu Thanh thấp thoáng bao kiếp người tài hoa mà bạc mệnh, ở đó có Nguyễn Du. Vì thế nếu bốn câu thơ đầu, giọt nước mắt của Nguyễn Du rỏ xuống cho Tiểu Thanh thì bốn câu sau lại là giọt lệ chảy vào trong cho mình, cho một Tố Như với bao niềm đau chôn giấu tận đáy lòng.
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
Cái án phong lưu khách tự mang.
“Nỗi hờn kim cổ” là nỗi hờn, nỗi oan của những người tài hoa, trí tuệ xưa nay. Nghĩa là cái hận ấy triền miên, ám ảnh, theo đuổi không thôi. Cái hận ấy tự mang trong mình, không hỏi trời được (“thiên nan vấn”). Hỏi trời - trời cao đâu có thấu. Cuộc sống nơi trần thế cứ đọng mãi “nỗi đau nhân tình”- nhức nhối tận tâm can“. Một câu hỏi lớn không lời đáp” (Huy Cận), vì thế mới càng hận khi phải mang cái “án phong lưu”. Ba từ “ thiên nan vấn” vang lên đầy xót xa. Đó không còn là câu, là chữ bình thường mà là lời chất vấn, phê phán những điều phi lí…
Mạch văn như một dòng chảy nối tiếp nhau những con sóng dài, ngắn, nó “ dồn toa” và “ tắc đường”. “Trời khôn hỏi” chính là sự tắc đường. Cái va đập của câu thơ dội lại xoáy sâu vào lòng người nỗi đau máu thịt... Ngẫm ra ở đời, ở trong xã hội phong kiến, có những điều thật khó hiểu, con người phải gánh chịu:
Xanh kia thăm thăm tầng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
Chinh phụ ngâm
Không phải ngẫu nhiên hay vô lý khi Nguyễn Du tự nhận mình là người “mang cái án phong lưu”. Từ cuộc đời, số phận của Tiểu Thanh mà ngẫm đến mình. “Khách tự mang”- Tố Như tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh. Câu thơ thể hiện cái nghẹn ngào, uất giận của nhà thơ. Ở đây, ta hiểu được tại sao Nguyễn Du viết về Tiểu Thanh, về một con người sống cách mình mấy trăm năm lại da diết đến thế. Vì ông viết về Tiểu Thanh cũng là viết về mình. Với Nguyễn Du thì Tiểu Thanh là một người xa nhưng không lạ. Hoàn cảnh xã hội thì cố nhiên mỗi người một vẻ nhưng số phận những kẻ tài hoa trong xã hội cũ thì họ lại giống nhau. Lời thơ còn là lời tố cáo xã hội vùi dập con người.
Bằng chính sự trải nghiệm, “va đập” cuộc đời với sự đồng cảm đến mức tri âm khi đến với “Tiểu Thanh kí”, Nguyễn Du đã “trông người mà ngẫm đến ta” để rồi tự hận, tự thương da diết. Không ẩn dụ hay kí thác, kết thúc bài thơ Nguyễn Du trực tiếp giãi bày nỗi lòng khắc khoải của mình:
Không biết ba trăm năm lẻ nữa,
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
Nếu sáu câu đầu Nguyễn Du viết về nàng Tiểu Thanh, về những kiếp người tài sắc bạc mệnh thì hai câu cuối này chuyển sang lời độc thoại, lời tự thương dưới hình thức một câu hỏi. “Bất tri” là không biết - niềm tự thương, tự đau lên đến cực độ. Ba trăm năm sau không biết có ai ( “hà nhân”) sẽ nhỏ giọt lệ khóc cho Tố Như như ông đã khóc cho nàng Tiểu Thanh. Ở đây Nguyễn Du không hỏi quá khứ hay hiện tại mà hỏi tương lai. Nếu ở hai câu thực câu hỏi vang lên tận trời xanh thì đến đây nhà thơ không hỏi trời mà hỏi đời, hỏi người.
Thực ra, không phải Nguyễn Du bi quan khi nghĩ về tương lai mà ông đang cô đơn, cô độc trong hiện tại. Câu hỏi cất lên buồn thống thiết. Thương Tiểu Thanh là một cách tự thương mình - thương mình bơ vơ không tri âm, tri kỉ. Đó là nỗi trăn trở sâu sắc, là khát vọng tri âm giữa cuộc đời. Đây còn là lời tố cáo - tố cáo cái vô nghĩa của cuộc đời, cái cô độc, mỏng manh của tài sắc và sự bất công của xã hội đối với người tài hoa.
Nếu bốn câu thơ đầu là hiện thực được cắt ngang thì bốn câu sau mạch thơ lại đi theo chiều dọc để “trông người mà ngẫm đến ta”. Nói cách khác đằng sau lòng thương người, thương mình của Nguyễn Du là nỗi đau thời thế. Thương người là biểu hiện của tấm lòng nhân đạo bao la, vĩnh cửu; thương mình là nét mới mang tinh thần nhân bản của thời đại cuối thế kỉ XVIII- đầu thế kỉ XIX. Từ tự xót, tự thương mà đi đến khát vọng tri âm giữa cuộc đời. Đó chính là nỗi đau nhân tình mang giá trị nhân văn cao đẹp.
Thế mới hay, đồng cảm, tri âm giữa cuộc đời là nhu cầu tự thân và chính đáng của con người. Nói như nhà văn Bùi Hiển “ở nước nào cũng thế thôi, sự cảm thông, sẻ chia giữa người đọc và người viết là trên hết”. Còn nhớ Khuất Nguyên đã từng theo đuổi đến cùng niềm tri âm đồng điệu: “Quản bao nước thẳm non xa/ Để ta tìm kiếm cho ra bạn lòng; Lý Bạch cũng đã từng chia sẻ: Có bạn không có rượu/ Một mình chuốc dưới hoa/ cất chén mời trăng sáng/ Mình với bóng là ba”. Nhà thơ Thanh Thảo viết Đàn ghi ta của Lor-ca như là khúc ca tưởng niệm, vừa để tri âm với Lor-ca- người nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha...Năm 1961, Tố Hữu viết Kính gửi cụ Nguyễn Du như một nén tâm nhang gửi đến nhà thơ có trái tim nhân đạo sâu sắc...
Độc Tiểu Thanh kí mãi là bài thơ hay bởi còn đó tiếng khóc lay động, thấm thía tâm can người đọc biết bao thế hệ. Bởi vì đó là tiếng khóc thống thiết cho người, cho ta...