Đối với các bước dạy bé vẽ người, ba mẹ vẫn có thể sáng tạo các cách thức mới, tuy nhiên, chỉ nên sáng tạo khi đã nắm vững được những kiến thức nền tảng. Trong trường hợp ba mẹ chưa biết gì và cũng chưa đủ kỹ năng để dạy cho bé vẽ người thì có thể thực hiện theo các bước hướng dẫn sau đây:
Bước 1: Vẽ hình dáng chung
Bước đầu tiên, ba mẹ cần giúp bé định hình được hình dáng chung của nhân vật cần vẽ bằng cách sử dụng hình khối để phân chia bố cục các bộ phận trên cơ thể như đầu người, thân người, chân người. Chi tiết hơn, ba mẹ có thể hướng dẫn bé xác định tóc, mắt, mũi, miệng của nhân vật muốn vẽ.
Ba mẹ có thể nâng cao việc dạy bé bằng cách sử dụng nét vẽ linh hoạt hơn với cách thể hiện về hình dáng của nhân vật như cao, thấp, mập, ốm,... hoặc các hành động của nhân vật như ngồi, đứng, nằm, bò. Đây còn được gọi là kỹ năng phác thảo, kỹ năng này đòi hỏi bé cần phải quan sát kỹ lưỡng, phân chia các bộ phận trên cơ thể người theo một tỉ lệ cân đối, phù hợp.
Bước 2: Vẽ chi tiết khuôn mặt
Đối với vẽ người, khuôn mặt là bộ phận quan trọng để thể hiện cảm xúc của nhân vật. Vì vậy, sẽ có nhiều cách vẽ khác nhau để thể hiện nhiều biểu cảm khác nhau. Để vẽ chi tiết khuôn mặt người, bé sẽ thực hiện với những bộ phận sau:
- Vẽ phần mắt: Vẽ 2 mắt đối xứng nhau với hình bầu dục nằm ngang, cách khoảng 1 - 2 cm tùy vào tỉ lệ khuôn mặt. Sau đó vẽ hai hình tròn ở nằm bên trong hình bầu dục thể hiện cho hai đồng tử của mắt. Ngoài ra, ở phía trên đôi mắt, bé có thể vẽ thêm lông mày bằng hai đường cong nhỏ với độ dài tương đương đôi mắt.
- Vẽ phần mũi: Mũi người sẽ vẽ đơn giản với một đường thẳng kéo từ trên xuống nằm giữa đôi mắt. Phía dưới nên vẽ một đường ngang nối liền vào đường thẳng ban đầu để tạo thành chóp mũi, giúp tổng thể khuôn mặt sẽ hài hòa hơn.
- Vẽ phần miệng: Miệng có thể vẽ đơn giản với một đường cong hướng lên, thể hiện biểu cảm cười, hay một đường cong hướng xuống, thể hiện biểu cảm buồn.
- Vẽ các đặc điểm trên khuôn mặt: Nếu quan sát tốt, bé có thể vẽ thêm một số đặc điểm nhận diện đặc biệt trên khuôn mặt của nhân vật, chẳng hạn như nốt ruồi, vết sẹo, râu,... Những đặc điểm này sẽ giúp hình vẽ người của bé tăng thêm tính nhận diện và trở nên thú vị hơn.
Bước 3: Vẽ chi tiết cơ thể
Tiếp theo, bé sẽ bắt đầu với phần cơ thể người, với phần thân người thường được vẽ tương tự nhau, nhưng ở phần tay và chân sẽ có những thay đổi, tùy vào tư thế của nhân vật. Bé có thể vẽ chi tiết cơ thể như sau:
- Vẽ phần thân người: Bé sẽ vẽ một hình chữ nhật, thay thế các góc nhọn thành các nét cong, bo tròn để phần thân người không bị thô.
- Vẽ phần tay: Cánh tay sẽ được vẽ bằng đường thẳng hai đường thẳng song song, nối liền với phần thân người. Sau đó, bé có thể vẽ thêm bàn tay ở cuối đường thẳng bằng một hình tròn, nếu khéo tay hơn có thể vẽ thành một bàn tay nhỏ. Vẽ tương tự với cánh tay còn lại.
- Vẽ phần chân: Bé có thể áp dụng cách vẽ tay để vẽ cho phần chân người. Tuy nhiên, để phần chân người được hài hòa hơn, bé nên vẽ liền khối giữa hai chân với nhau.
Khi vẽ phần cơ thể người, đặc biệt là phần tay và chân người, bé có thể vẽ các đường cong khác nhau dựa trên hành động của cơ thể, chẳng hạn như động tác đưa tay lên chào, động tác đu dây hoặc người đang chạy, v.v...
Bước 4: Hoàn thiện các nét thiếu
Sau khi đã có một hình dạng tổng thể về con người, bé có thể chỉnh sửa lại các chi tiết thô bằng những nét tròn, thẳng để hình vẽ đẹp hơn. Ngoài ra, để giúp bé phát huy khả năng sáng tạo, ba mẹ có thể dạy bé vẽ kết hợp với các phụ kiện như quần áo, cà vạt, trang sức, khăn quàng,... để hình vẽ nhân vật thú vị và nổi bật hơn.
Bước 5: Chỉnh sửa và tô màu
Bước cuối cùng, bé sẽ xem và chỉnh sửa lại những phần chưa hợp lý, sau đó sử dụng màu tô lên nhân vật. Bé có thể sử dụng mọi loại chất liệu màu sắc theo sở thích hay trí tưởng tượng sáng tạo của mình.