So với các loại xương khác thì số lượng xương sườn luôn là chủ đề được con người quan tâm hơn cả. Điều này một phần đến từ sự tò mò, một phần vì xương sườn nằm sát da, khá dễ đếm nhưng cũng dễ gây nhầm lẫn. Vậy rốt cuộc con người có bao nhiêu xương sườn? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn thông tin thú vị này.
Xương sườn là gì?
Xương sườn là hệ thống các xương nối đốt sống ngực phía sau với xương ức phía trước. Chúng có hình thái dẹt, hơi cong và cùng với 2 loại xương trên làm thành kết cấu của lồng ngực.
So với các loại xương khác của cơ thể, thiết diện cắt ngang của xương sườn khá bé. Chúng có khả năng phục hồi rất nhanh sau chấn thương. Độ cứng chắc ấn tượng nhưng vẫn có tính đàn hồi tương đối để chống lại các va đập cơ học từ bên ngoài.
Con người có bao nhiêu xương sườn?
Con người có bao nhiêu xương sườn là vấn đề được thảo luận rất sôi nổi vì theo thông tin truyền miệng, không ít người tin rằng chúng ta có tới 36 chiếc xương sườn. Vậy, thực tế thì xương sườn có bao nhiêu cái trong cơ thể con người?
Người bình thường ở độ tuổi trưởng thành đều có 24 chiếc xương sườn. Chúng được chia đều sang hai bên, nằm đối xứng nhau nên thường được gọi tên là 12 cặp xương sườn.
12 cặp xương sườn được đánh số từ 1 đến 12 theo chiều từ trên xuống dưới.
Trong đó 7 cặp trên cùng được xem là xương sườn thật vì chúng kết nối trực tiếp với xương ức thông qua sụn sườn. 3 cặp tiếp theo được gọi là xương sườn giả vì chúng có chung phần sụn với cặp xương sườn số 7. 2 cặp dưới cùng là xương sườn cụt, chỉ liên kết với đốt sống chứ không đấu nối với xương ức và nằm lưng chừng trong kết cấu của lồng ngực.
Khảo sát thực tế cho thấy trung bình khoảng 1000 người thì có 2 người xuất hiện thêm xương sườn phụ hay còn gọi là xương sườn cổ. Loại xương dị biệt này hình thành ở phần cổ, phía trên xương đòn và không có kết cấu hoàn thiện. Nguyên nhân phát sinh chủ yếu do sự bất thường trong quá trình phân tách xương ở giai đoạn bào thai.
Qua những thông tin mà Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ, bây giờ thì bạn đã biết con người có bao nhiêu xương sườn rồi chứ?
Cấu tạo và thành phần hóa học
Cấu tạo
Như đã nhắc qua ở trên, xương sườn là một loại xương dẹt và uốn cong dạng vòm. Mỗi chiếc có kích thước khá dài và được chia làm 2 phần cơ bản là đầu và thân:
Hai đầu xương cấu tạo bằng mô xương xốp. Chúng bao gồm hệ thống các nan xương xếp dạng vòng cung và đan xéo nhau, từ đó hình thành nên các ô chứa tủy đỏ.
Ngoài vai trò nói trên thì mô xương xốp còn đảm nhiệm một chức năng quan trọng khác là phân tán lực tác động lên đầu xương. Bao bọc phía ngoài cùng của tổ chức này là lớp sụn, chúng có nhiệm vụ giảm thiểu lực ma sát lên đầu xương khi thực hiện cử động hô hấp.
Còn thân xương sườn thì có dạng bản dài. Bên ngoài là màng xương, tiếp đến là mô xương cứng và trong cùng là khoang xương. Màng xương giúp xương to ra về bề ngang, mô xương cứng đảm nhiệm vai trò chịu lực, nâng đỡ còn khoang xương là nơi chứa tủy.
Ở trẻ em, khoang xương chứa tủy đỏ có khả năng sinh hồng cầu. Ở người trưởng thành, khoang xương chứa tủy vàng (mô mỡ).
Thành phần hóa học
Xương sườn được cấu thành từ 2 thành phần chính yếu, đó là chất hữu cơ và chất vô cơ (muối canxi).
Chất hữu cơ còn được gọi là cốt giao, chúng tạo nên tính linh hoạt, mềm dẻo, độ đàn hồi đặc trưng của xương sườn. Trong khi đó, muối canxi lại tạo nên sự bền chắc của xương.
Tỉ lệ tương quan giữa chất cốt giao và chất vô cơ trong xương sườn biến động theo độ tuổi. Trẻ em có tỉ lệ chất cốt giao cao hơn muối canxi nên xương cốt cực mềm dẻo, dễ uốn nắn. Ở người trưởng thành, chất cốt giao chỉ chiếm khoảng 1/3 nên nếu đến độ tuổi này mới thực hiện các bài tập uốn dẻo thì kết quả mang lại thường khá hạn chế.
Vai trò của xương sườn trong cơ thể người
Xương sườn đảm nhiệm một số vai trò chính yếu sau đây:
Nâng đỡ
Như đã bàn đến ở trên, xương sườn là một trong ba loại xương tham gia vào cấu trúc của lồng ngực. Cùng với sự góp mặt của cơ hoành bên dưới, chúng đảm nhiệm vai trò nâng đỡ các cơ quan có trong khoang ngực, điển hình là tim và phổi.
Bảo vệ
Hệ xương của xương sườn tạo thành bộ khung bao bọc bên ngoài tim và phổi, từ đó giúp ngăn chặn mọi tác động cơ học gây ảnh hưởng xấu đến 2 cơ quan đặc biệt quan trọng này.
Tham gia vào quá trình hô hấp
Cùng với hệ cơ liên sườn và các dây thần kinh, xương sườn tham gia vào cử động hít - thở, hỗ trợ đắc lực vào hoạt động hô hấp của cơ thể.
Những thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến xương sườn
Bảo vệ xương sườn cũng là một trong những cách giúp bạn bảo vệ sức khỏe tim, phổi nói riêng và sức khỏe tổng quát nói chung. Tuy nhiên, nếu muốn hiện thực hóa điều này, trước tiên, chúng ta cần từ bỏ ngay những thói quen xấu gây ảnh hưởng tiêu cực đến xương sườn. Cụ thể như sau:
- Lười vận động: Khi vận động bị hạn chế thì quá trình tiêu xương sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn, cường độ mạnh hơn. Hệ quả là dẫn đến hiện tượng giòn, gãy xương hoặc xuất hiện tình trạng đau nhức, hoại tử. Do đó hãy tích cực rèn luyện trong khả năng cho phép, tùy tình trạng sức khỏe mà bạn có thể lựa một phương thức luyện tập phù hợp như: Đi bộ, chạy bộ, nâng tạ, leo cầu thang,...
- Hút thuốc lá: Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng người hút thuốc lá có mật độ xương thấp hơn hẳn người bình thường. Không những vậy, hút thuốc còn gây căng thẳng thần kinh, làm sản sinh hormone cortisol - tác nhân khiến xương yếu đi và ức chế quá trình sản xuất calcitonin - hormone giúp tăng sinh tế bào xương.
- Uống rượu mất kiểm soát: Tương tự như hút thuốc lá, rượu cũng kích thích cơ thể tiết nhiều cortisol - hormone gây căng thẳng. Chất tiết này khiến mật độ xương giảm dần và làm cho xương yếu đi nhanh chóng. Thêm nữa uống rượu còn gây đầu độc tiểu não, ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, khiến con người dễ ngã và dễ dẫn đến nguy cơ gãy xương sườn.
- Thói quen ăn mặn: Khi bạn dung nạp nhiều muối ăn thì cơ thể có xu hướng tăng cường đào thải canxi qua đường tiểu. Hệ quả là cơ thể bị thiếu hụt canxi và gây nên tình trạng loãng xương.
- Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin D và canxi: Canxi là thành phần thiết yếu cấu thành nên xương. Trong một diễn biến khác, cơ thể chỉ hấp thụ được canxi nếu có sự hiện diện của vitamin D. Vậy nên nếu trong chế độ ăn thiếu hụt đi hai thành phần này thì hiện tượng yếu xương, còi xương, loãng xương là điều khó tránh khỏi.
- Ít tiếp xúc với ánh nắng tự nhiên: Ánh nắng tự nhiên giúp bạn tổng hợp vitamin D dưới da và thành phần này sẽ hỗ trợ tích cực vào quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Do đó, nếu bạn ít tiếp xúc với ánh nắng thì xương sườn sẽ có xu hướng mỏng hơn và giòn hơn.
Trên đây là những chia sẻ chi tiết của Nhà thuốc Long Châu về chủ đề “Con người có bao nhiêu xương sườn?”. Mong rằng bạn đã tìm thấy những thông tin hữu ích qua bài viết này và xin chân thành cảm ơn vì đã đồng hành cùng chúng tôi.
Xem thêm:Tìm hiểu cơ bắp mạnh nhất trong cơ thể con người