Giờ phút đưa tiễn năm cũ và đón chào năm mới luôn là một khoảnh khắc thiêng liêng mà cả thế giới đều hướng về. Ở mỗi quốc gia, người ta có cách đón mừng năm mới theo những cách rất riêng nhưng tất cả đều cầu chúc cho một năm mới với nhiều may mắn, bình an, như ý.
Phong tục chào đón năm mới tại các nước phương Tây
Đối với các nước phương Tây, ngay khi Lễ Giáng Sinh bắt đầu cũng là thời điểm người dân náo nức chuẩn bị cho ngày Tết. Khi kim đồng hồ điểm hết 12h ngày 31/12 là bắt đầu thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Tùy theo nét văn hóa, phong tục riêng mà “bữa tiệc” đón chào năm mới ở mỗi nước có sự khác nhau.
Đón Tết ở Anh: Ở các nước phương Tây, mọi người thường đổ ra đường và tập trung ở các quảng trường lớn để gặp gỡ, trò chuyện, uống bia để ôn lại những gì đã qua trong một năm cũ và chào đón một năm mới may mắn hơn, nhiều niềm vui hơn. Ở nước Anh, đêm giao thừa hằng năm người dân thường tụ tập ở quảng trường Trafalgar và Piccally Circus hay ở bất cứ nơi nào có thể nghe được tiếng chuông đồng hồ Big Ben của thủ đô London báo hiệu năm mới đã đến.
Tất cả mọi người dù quen hay lạ đều nắm tay nhau hát bài Auld Lang Syne và cùng đếm ngược đến thời khắc năm mới. Khi tiếng chuông đồng hồ Big Ben vang lên, đó là một khoảnh khắc thiêng liêng, một giây tĩnh lặng với biết bao ước nguyện trong lòng mỗi người rồi sau đó vỡ òa trong những cái ôm, những lời chúc dành cho nhau. Họ cạn ly và câu cửa miệng sẽ luôn là “Happy New Year” (Chúc mừng năm mới).
Đón Tết ở Mỹ: Vào đêm 31 tháng 12, hàng ngàn người Mỹ tập trung ở Quảng trường Thời Đại (Times Square). Họ đứng sát bên nhau cùng đón chờ khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Khi mọi người cùng hô to đến giây cuối cùng cũng là lúc một quả cầu thuỷ tinh đẹp mê hồn rơi xuống. Lúc quả cầu chạm đất là thời khắc mọi người hô vang lời chúc mừng năm mới: “Happy New Year!” và đồng thanh cất lên những giai điệu tuyệt vời của bài hát truyền thống ” Auld Lang Syne”, tung những mảnh giấy nhiều màu sắc lên trời.
Bước sang những ngày đầu năm mới, cuộc sống ở Mỹ khá tĩnh lặng, các văn phòng chính phủ, cơ quan, trường học đều đóng cửa nghỉ tết và người Mỹ sẽ dành phần lớn thời gian ở bên gia đình, đi thăm hỏi bạn bè hoặc tổ chức ăn uống tại nhà. Trong dịp năm mới, người dân Mỹ có truyền thống ăn bắp cải với hy vọng sẽ gặp được nhiều may mắn. Bên cạnh đó, người Mỹ cũng có phong tục đón năm mới khá độc đáo, cụ thể là người độc thân nếu muốn gặp được một nửa của mình trong dịp năm mới thì hãy mặc trang phục màu vàng, còn người có hy vọng phát tài trong năm mới thì sẽ chọn trang phục màu bạc.
Đón Tết ở Pháp: Người Pháp đón năm mới bắt đầu từ ngày 01/01 nhưng ở mỗi miền của nước Pháp thì phong tục đón giao thừa có chút khác biệt. Cụ thể như ở miền Đông, lúc giao thừa, người ta sẽ ngậm đồng tiền vàng cầu mong phát đạt, giàu sang. Ở miền Tây, các chàng trai sẽ vào rừng tìm cây tầm gửi từ chiều cuối năm, anh chàng nào tìm thấy và mang về đầu tiên sẽ được phong ''Vua tầm gửi'', có quyền ôm hôn những cô gái đẹp đi ngang nhà mình trong suốt ngày mùng 1.
Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong một năm mang tên một vị thánh và ngày 31/12, đêm Giao Thừa, được gọi là đêm Thánh Sylvestre. Vào ngày này, người Pháp sẽ tổ chức bữa tiệc thịnh soạn và mời người thân bạn bè đến dự, các thành viên trong gia đình và khách mời sẽ quây quần chúc tụng nhau. Bắt đầu từ đêm giao thừa, người Pháp sẽ uống rượu say sưa cho đến hết đến ngày 3/1 mới kết thúc, bởi họ quan niệm vào ngày tết phải uống cạn hết số rượu mà họ có, như vậy mới mang lại sự điều may mắn, vạn sự như ý trong năm mới, nếu rượu vẫn còn thì sẽ gặp nhiều xui xẻo trong năm.
Đón Tết ở Tây Ban Nha: Khi đồng hồ điểm 0h, người ta cố gắng ăn 12 quả nho đúng lúc mỗi khi chuông reo. Mỗi quả đại diện cho một điều ước cho năm sắp tới. Ăn nho sẽ biến mong muốn của bạn thành hiện thực. Bắt đầu từ những năm 1800, khi những người trồng nho ở khu vực Alicante đã nghĩ ra truyền thống này như một phương tiện để bán được nhiều nho hơn vào cuối năm, nhưng lễ kỷ niệm ngọt ngào đã nhanh chóng bắt đầu. Ngày nay, người Tây Ban Nha hy vọng rằng điều này sẽ mang lại một năm may mắn và thịnh vượng.
Phong tục đón Tết Dương lịch tại các nước Phương Đông
Việt Nam: Hòa mình vào không khí đón chào năm mới cùng Thế giới, người dân Việt Nam cũng được nghỉ 1 ngày vào ngày đầu năm mới và gọi đó là Tết Dương lịch. Ngày này, mọi người thường dành thờigian để quây quần bên gia đình, ăn uống, hát hò vui vẻ. Bên cạnh đó, nhiều người cũng lựa chọn cùng nhau đi ra ngoài vui chơi.
Nhật Bản: Trước đây, Nhật Bản cũng đón Tết Âm lịch như Việt Nam chúng ta nhưng từ năm 1873 đến nay họ đã chuyển sang ăn TếtDương lịch như các nước phương Tây. Mặc dù vậy, người dân Nhật Bản vẫn giữ lại những phong tục truyền thống của mình như tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa, làm các món ăn truyền thống, làm thiệp chúc Tết để tặng nhau.
Đêm giao thừa ở Nhật Bản được gọi là Omisoka. Vào thời khắc giao thừa, tất cả các ngôi chùa đều đồng loạt gióng lên 108 hồi chuông tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo quan điểm Phật giáo. Nếu từ chỗ bạn ở không thể lắng nghe được tiếng chuông chùa thì vẫn có thể xem nghi thức này trên các kênh truyền hình. Giao thừa ở Nhật, nhiều người dân vẫn đổ ra đường để tham gia các hoạt động vui chơi, xem bắn pháo hoa, nhưng cũng có rất nhiều người ở nhà với gia đình và cùng nhau thưởng thức mì trường thọ hoặc là ăn lẩu.
Hàn Quốc: Người Hàn Quốc thường mặc Hanbok, một loại trang phục cổ truyền. Vào buổi sáng của năm mới, người Hàn thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo. Tiếp theo, sẽ là nghi lễ dành cho những người lớn tuổi trong gia đình, con cháu sẽ thực hiện nghi lễ cúi chào. Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, mọi người thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.
Malaysia: Ngày đầu năm mới của Malaysia bắt đầu từ mùng 1tháng 1 (theo lịch Hồi giáo). Vẫn là những ngôi nhà được quét dọn, trang hoàng sạch sẽ, phố xá được trang trí với nhiều mầu sắc rực rỡ.
Chỉ có điều trước Tết khoảng 10 ngày, những người dân Malaysia theo đạo Hồi không mua sắm nhiều thức ngon vật lạ cho Tết mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn), vì họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Ala răn dạy.