Theo thống kê, từ tháng 9/2021 đến tháng 11/2023, có 699 vụ bạo lực học đường xảy ra trên cả nước (Theo báo Pháp luật Việt Nam điện tử). Bạo lực học đường ngày càng diễn ra với hình thức đa dạng và biểu hiện có xu hướng nghiêm trọng. Việc tìm hiểu biểu hiện bạo lực học đường cũng như nguyên nhân và cách xử lý là việc làm vô cùng quan trọng với bất cứ ai trong chúng ta.
Thế nào là bạo lực học đường?
Bạo lực học đường xảy ra trong các tổ chức, cơ sở giáo dục được định nghĩa trong Khoản 5, Điều 2, Nghị định 80/2017/NĐ-CP bao gồm:
- Hành vi ngược đãi, đánh đập, bạo hành gây tổn hại đến thân thể, sức khỏe.
- Hành vi lăng mạ, sỉ nhục, làm ảnh hưởng đến nhân phẩm và danh dự.
- Hành vi cô lập, tẩy chay, ruồng rẫy và các hành vi khác làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bạo lực học đường được cấu thành từ hai yếu tố gồm bạo lực và học đường. Hiểu theo cách đơn giản nhất, bạo lực học đường là cụm từ dùng để chỉ hành vi thô bạo, đánh đập, xúc phạm có tính chất vi phạm quy tắc chuẩn mực của đạo đức xã hội để gây tổn thương về thể chất và tinh thần của người khác trong môi trường học đường.
Các hình thức và biểu hiện bạo lực học đường
Bạo lực học đường xảy ra với nhiều hình thức khác nhau. Tất cả các hình thức này để ảnh hưởng đến sự an toàn và sự phát triển toàn diện của học sinh trong môi trường học đường. Có thể kể đến những hình thức bạo lực học đường phổ biến cùng biểu hiện như:
Bạo lực học đường có vũ khí
Trong các hình thức bạo lực học đường, đây là hình thức nghiêm trọng nhất. Học sinh có thể dùng các loại vũ khí như gậy gộc, dao kéo, các vật cứng, vật sắc nhọn có thể gây thương tích để tấn công, đe dọa, làm tổn hại các học sinh khác.
Bạo lực học đường về mặt tinh thần
Biểu hiện bạo lực học đường của hình thức này là một hoặc một nhóm học sinh có thể dùng những lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, quy chụp, thêu dệt… để xúc phạm người khác. Nếu xúc phạm khi đối mặt trực tiếp bằng các lời lẽ tiêu cực sẽ được gọi là bạo lực lời nói.
Ngoài ra, nhóm học sinh này cũng có thể thực hiện các hành vi kể trên ở các diễn đàn, hội nhóm, mạng xã hội… Dù có được thực hiện trực tiếp hay qua mạng, bạo lực tinh thần lại ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, tâm lý, tình cảm của học sinh.
Bạo lực tình dục - Hình thức bạo lực cực nghiêm trọng trong học đường
Bạo lực tình dục trong môi trường học đường biểu hiện bởi các hành vi quấy rối tình dục, hiếp dâm, dùng tình dục để đe dọa, tấn công học sinh. Đây là hình thức bạo lực vô cùng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng lớn đến cả thể xác, tinh thần, tâm lý cho các nạn nhân.
Bạo lực lạnh trong môi trường học đường
Bạo lực lạnh là một hình thức bạo lực về mặt tinh thần. Biểu hiện của hình thức bạo lực này là một hoặc một nhóm học sinh sẽ giữ im lặng, không giao tiếp và cô lập một hoặc một vài học sinh khác như một cách trừng phạt. Hình thức bạo lực lạnh này ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của học sinh.
Ngoài ra, còn các hình thức bạo lực học đường khác như: Cướp tài sản, trấn lột của học sinh, phân biệt đối xử,…
Bạo lực học đường xuất phát từ nguyên nhân nào?
Các hình thức và biểu hiện bạo lực học đường tương ứng với từng hình thức đến đây bạn đã biết. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường? Một số nguyên nhân phổ biến góp phần dẫn đến vấn nạn này như:
- Sự thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình khiến trẻ không được định hình nhân cách đúng đắn.
- Hành vi bạo lực được “sao chép” từ môi trường gia đình bạo lực.
- Cách quản lý học sinh của nhà trường chưa hiệu quả.
- Cũng có thực trạng một số trường học vì thành tích hay danh dự mà có biểu hiện bao che, lấp liếm các hành vi bạo lực học đường.
- Ảnh hưởng từ môi trường sống không lành mạnh đến lứa tuổi học sinh đang thời điểm hình thành và phát triển nhân cách.
- Ảnh hưởng từ các ấn phẩm văn hóa mang tính bạo lực như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử, truyện…
- Sự phổ biến của mạng xã hội và cách kiểm soát lỏng lẻo của phụ huynh và nhà trường khiến bắt nạt trực tuyến ngày càng phổ biến. Đây là một dạng bạo lực về mặt tinh thần trong môi trường học đường.
Khi bị bạo lực học đường nên làm gì?
Mỗi học sinh nên biết biểu hiện bạo lực học đường của từng hình thức và biết cách xử lý nếu không may là nạn nhân của bạo lực học đường. Một số cách giải quyết mà học sinh nên biết như:
- Tuyệt đối không giữ im lặng dù bị đe dọa hay uy hiếp dưới mọi hình thức. Học sinh cần thông báo để có sự giúp đỡ từ phía gia đình và nhà trường.
- Cố gắng tránh xa những học sinh có xu hướng bạo lực, hay bắt nạt người khác hay có ý định bắt nạt mình. Nếu nhận thấy nguy cơ bị bắt nạt, nên thông báo sớm cho các thầy cô, gia đình để phòng ngừa bạo lực học đường ngay từ đầu.
- Học sinh cần rèn luyện thể chất, học cách tự vệ và kỹ năng phản kháng khi gặp kẻ xấu để tự bảo vệ bản thân khi cần thiết.
- Rèn luyện bản lĩnh tinh thần cứng rắn, vững vàng, tỉnh táo để biết cách xử lý đúng đắn nếu không may trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
- Khi có bạo lực học đường xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, học sinh cần cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực để hỗ trợ điều tra.
Biểu hiện bạo lực học đường sẽ khác nhau tùy từng hình thức. Mỗi học sinh cần được trang bị kỹ năng sống liên quan đến vấn đề này để sớm nhận ra dấu hiệu của bạo lực, biết cách phòng tránh và biết cần làm gì nếu không may trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Xem thêm:
- Bệnh về tâm lý là gì? Tìm hiểu các bệnh về tâm lý thường gặp
- Mẹo hay giúp bạn tự tin bước ra khỏi vùng an toàn
- Rối loạn định dạng giới là gì? Lời khuyên dành cho cha mẹ