Tại Việt Nam, chuông gió được sử dụng như một vật trang trí. Nhưng quay ngược lịch sử, chuông gió thực chất là một vật phẩm phong thủy có nguồn gốc từ nền văn hóa Á Đông. Tiếng kêu của chuông gió mang một ý nghĩa sâu xa mà các chuyên gia phong thủy thường gọi với cái tên đầy ma mị phong linh.
Từ ngàn xưa, các nền văn hóa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đã coi chuông gió như một vật kết nối giữa âm và dương. Còn theo thuyết nhân sinh, những thứ tĩnh lặng thường đại diện cho sự chết chóc hoặc vĩnh hằng, còn những điều xôn xao sẽ tượng trưng cho cõi sống, sự hồi sinh. Vì lẽ đó mà cũng có nhiều quan niệm cho rằng âm thanh chuông gió mang ý nghĩa của sự sống ở dương gian.
Tiếng kêu của chuông gió mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Tuy nhiên, cũng có một số nơi người ta lại sợ tiếng kêu lanh lảnh của chuông gió trong đêm, với ý nghĩa rùng rợn và đầy ma quái. Một số nền văn hóa cho rằng, khi chuông gió kêu lên cũng đồng nghĩa với việc xung quanh có nhiều âm khí, tiếng kêu càng to âm khí càng nặng. Có lẽ vì thế mà chuông gió còn được gọi là phong linh (linh hồn trong gió) với quan niệm dân gian là “chiêu âm”.
Mặc dù những lời đồn thổi về vật dụng này chứa các câu chuyện dị thường khác nhau khiến nhiều người dè chừng nhưng trong phong thủy, chuông gió là một vật phẩm rất tốt dùng để kích dương, tăng cường dương khí. Ngày nay việc sử dụng chuông gió trong phong thủy đã khá phổ biến, không còn mang nhiều điều kiêng kị như xưa nữa.
Theo các chuyên gia phong thùy, chuông gió thích hợp treo ở nơi “dương khí thịnh”, tức là nơi có đầy đủ ánh nắng và thông gió. Treo như vậy, chuông gió sẽ có tác dụng hóa sát. Chuông gió được khai quang chính thức sẽ càng phát huy tác dụng rõ rệt. Ngược lại, nếu treo ở những nơi tối tăm, khuất gió chúng sẽ thu hút nhiều âm khí, mang lại vận xấu cho gia chủ.
Chuông gió cũng được cho là giúp kêu gọi các luồng cát khí, mang tài lộc và phân bổ vận khí may mắn đến mọi ngóc ngách xung quanh ngôi nhà. Âm thanh của chuông gió tạo nên sự khuây khỏa, kích hoạt nguồn năng lượng tốt, xua đuổi những âm khí quây quanh ngôi nhà.
Chất liệu chuông gió cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công dụng của chúng trong việc kết hợp với các hướng của ngôi nhà. Theo các chuyên gia phong thủy, chuông gió bằng kim loại nên chọn hướng treo ở Tây, Tây Bắc và hướng Bắc. Chuông gió chất liệu bằng tre, gỗ phù hợp với hướng Đông, Đông Nam và hướng Nam.
Còn đối với loại chuông được làm bằng chất liệu sứ, đất sét nung… là hiện diện của mệnh Thổ, nên chọn các vị trí trung tâm, Tây Nam, Đông Bắc, Đông và Đông Nam của ngôi nhà. Điều này giúp ngôi nhà phát huy tối đa công năng, tăng cường năng lượng tốt.
Các thanh trên chiếc chuông gió cũng mang một ý nghĩa độc đáo bên cạnh tiếng kêu của chúng. Loại chuông gió 5 thanh, 6 thanh và 8 thanh là phổ biến nhất, giúp phát huy công dụng ngăn chặn những luồng khí tiêu cực và tăng cường năng lượng có ích cho ngôi nhà.
Nên treo chuông gió ở cửa sổ hoặc cửa ra vào vì chúng sẽ giúp giữ tài, hóa khí giảm xung sát. Không nên treo chuông gió ở nhà vệ sinh vì năng lượng của chúng lúc này có thể chiêu âm, tạo ra năng lượng xấu. Phòng ngủ là nơi cần tĩnh lặng cũng không nên treo chuông gió vì có thể làm xáo trộn giấc ngủ của bạn. Trong nhà bếp năng lượng hỏa cũng rất mạnh nên không thể treo chuông gió tại đây. Tiếng chuông gió có thể làm tăng năng lượng đến mức cực độ và không thể kiểm soát gây ra hỏa khí dữ dội.
Tiếng kêu của chuông gió là âm thanh trong trẻo và khá vui tai. Tuy nhiên, giống như bất kì vật trang trí phong thủy nào, bạn cũng cần lưu lý một chút trong cách lựa chọn lẫn cách treo chuông gió để mang lại cho không gian sống sự thoải mái, bình yên nhất.
Theo bestie