* Hợp đồng lao động là gì? * Các loại Hợp đồng lao động, nội dung của Hợp đồng lao động, giao kết Hợp đồng lao động. * Phân biệt Hợp đồng lao động với một số loại hợp đồng khác.
1. Hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Bộ luật Lao động năm 2012, Hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là “HĐLĐ”) là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
2. Các loại Hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động năm 2012, HĐLĐ phải được giao kết theo một trong các loại sau: HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Tùy vào từng loại HĐLĐ cụ thể, sẽ có sự khác nhau về thời hạn của HĐLĐ, trách nhiệm khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, khi tham gia các loại bảo hiểm,…
3. Nội dung của Hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Bộ luật Lao động năm 2012, nội dung HĐLĐ bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Chế độ nâng bậc, nâng lương;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Tuy nhiên, trên thực tế, một số doanh nghiệp vẫn không tránh khỏi những sai sót khi soạn thảo HĐLĐ như sử dụng căn cứ áp dụng đã hết hiệu lực, không đủ thông tin của người sử dụng lao động hoặc người lao động, không ghi cụ thể địa điểm làm việc,…
Để có thể được kiểm tra, rà soát sơ bộ khía cạnh pháp lý của Hợp đồng lao động, Nội quy lao động hay Thỏa ước lao động tập thể, quý thành viên có thể truy cập vào tiện ích Review Hợp đồng Online và gửi các văn bản cần review nêu trên cho hệ thống xử lý, hỗ trợ review theo yêu cầu.
4. Giao kết Hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp phải giao kết HĐLĐ bằng văn bản với từng người lao động làm việc cho mình, mỗi bên sẽ giữ 01 bản; trừ các công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng thì các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói.
5. Thẩm quyền giao kết Hợp đồng lao động với người lao động
Căn cứ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH, việc ký kết HĐLĐ của doanh nghiệp với người lao động sẽ thuộc thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Trường hợp hai bên giao kết HĐLĐ mà người ký kết HĐLĐ với người lao động không phải là những người có thẩm quyền thì HĐLĐ đã ký kết không phát sinh hiệu lực và được xác định là hợp đồng vô hiệu toàn bộ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 50 của Bộ luật Lao động năm 2012.
6. Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng lao động
Căn cứ theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2012, các trường hợp chấm dứt HĐLĐ bao gồm:
- Hết hạn HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động năm 2012;
- Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ;
- Hai bên thoả thuận chấm dứt HĐLĐ;
- Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu;
- Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án;
- Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;
- Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải;
- Người lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ;
- Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt HĐLĐ;
- Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp.
7. Phân biệt Hợp đồng lao động với một số loại hợp đồng khác
Phân biệt HĐLĐ với Hợp đồng làm việc:
- Chủ thể của hợp đồng làm việc là viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Chủ thể của HĐLĐ là người lao động và người sử dụng lao động.
Phân biệt HĐLĐ với Hợp đồng Cộng tác viên:
- Bản chất của HĐLĐ là hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động (theo Điều 15 của Bộ luật Lao động năm 2012).
- Bản chất của Hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng mang bản chất của hợp đồng dịch vụ (hợp đồng dân sự). Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ (quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015).